Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc đưa một trong ba tàu cao tốc hai thân loại lớn nhất với tải trọng 600 khách, thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu mang đẳng cấp 5 sao vào hoạt động.
TTXVN - Ngày 18/3, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc (Kiên Giang) khởi động khai thác lại tuyến du lịch biển đảo từ Cà Mau - Nam Du (Kiên Hải) - Phú Quốc.
Theo đó, ngày 18/3, tàu cao tốc Phú Quốc Express sẽ chạy một chuyến/tuần vào ngày thứ Bảy (18 và 25/3), xuất bến tại Cà Mau lúc 9 giờ (Cảng khách Ông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
Kể từ ngày 28/3, công ty sẽ tăng tần suất khai thác lên 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ Ba, Năm và Bảy (Cà Mau - Nam Du khởi hành 9 giờ, Nam Du - Phú Quốc khởi hành 11 giờ 20). Các ngày thứ Tư, Sáu và Chủ nhật (Phú Quốc - Nam Du khởi hành lúc 13 giờ 30, Nam Du - Cà Mau khởi hành lúc 15 giờ).
Giá vé tổng hành trình cho hàng ghế phổ thông từ 260.000 - 590.000 đồng/người; giá vé dành cho người cao tuổi/trẻ em từ 210.000 - 540.000 đồng/người và hàng ghế VIP có giá vé từ 390.000 - 980.000 đồng/người.
Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc đưa một trong ba tàu cao tốc hai thân loại lớn nhất với tải trọng 600 khách, thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu mang đẳng cấp 5 sao vào hoạt động.
Tàu có chiều dài 46.85 m, chiều rộng lớn nhất 12,2 m, boong ngoài trời có sức chứa lên đến 100 người, tổng công suất đạt 7.402 mã lực, tốc độ tối đa đạt 35 hải lý/giờ (tương đương 60 km/giờ). Hành trình tuyến tàu cao tốc Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc chỉ với 3 giờ 15 phút.
Trước đó, vào tháng 7/2020, tuyến tàu cao tốc du lịch biển Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc chính thức đưa vào vận hành. Tuyến tàu được kỳ vọng mang lại lượng khách du lịch đáng kể cho tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Tuy nhiên, đến tháng 5/2021, do tình hình dịch COVID-19, tuyến tàu ngừng hoạt động đến nay.
Từ tuyến tàu cao tốc du lịch biển này, ngoài việc đến vùng biển Nam Du, huyện đảo Kiên Hải và thành phố biển Phú Quốc tham quan, tắm biển, thưởng thức đặc sản biển, du khách có thể chuyển sang đường bộ tại Cà Mau để trải nghiệm các điểm du lịch nổi tiếng nơi đây, như Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đầm Thị Tường, Khu di tích Hòn Đá Bạc…
Với việc kết nối các tuyến du lịch đường thủy này sẽ kích cầu, thu hút nhiều du khách đến với tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ của cả hai tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh nói riêng và toàn khu vực miền Tây Nam bộ nói chung./.