Hội nhập

Kỷ niệm Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ

Ngoài các chương trình đào tạo đa quốc gia được lên kế hoạch trước, Ấn Độ còn cung cấp chương trình đào tạo dành riêng cho từng quốc gia trong các lĩnh vực quản trị và kỹ năng cụ thể.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya phát biểu khai mạc Ngày hội ITEC 2023. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

TTXVN - Tối 15/9, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Thư viện Quốc gia tổ chức Lễ kỷ niệm Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC).

ITEC được triển khai vào năm 1964. Đây là một chương trình nâng cao năng lực và thành công của Chính phủ Ấn Độ thông qua việc chia sẻ hoạt động thực tiễn và kinh nghiệm cho 160 quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

Tại buổi Lễ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya nêu rõ, cách đây 59 năm, Ấn Độ đã khởi động chương trình xây dựng năng lực và chia sẻ kỹ năng của ITEC nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế với các nước đang phát triển.

“Thế giới đã trải qua những thay đổi to lớn trong những năm qua nhưng logic của Hợp tác Nam - Nam vẫn mạnh mẽ trong việc tìm kiếm các giải pháp có ý thức về tài nguyên, đoàn kết để giải quyết những thách thức tương tự đối với các quốc gia và thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia. Giá trị của Hợp tác Nam - Nam đã nhận được sự quan tâm lớn hơn trong thời gian qua không chỉ trong bối cảnh có sự tương đồng về lợi ích mà còn ở khát vọng và kỳ vọng của chúng ta sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quản trị, kinh tế, phát triển, công nghệ và thịnh vượng toàn cầu”, Đại sứ nhấn mạnh.

Với ý nghĩa như vậy, Đại sứ Sandeep Arya cho biết Chương trình ITEC bao gồm một loạt các hoạt động trong nhiều lĩnh vực: hỗ trợ thành lập các tổ chức và cơ sở giáo dục, hỗ trợ cung cấp giảng viên và thiết bị, đào tạo nhân sự tại các tổ chức nổi tiếng ở Ấn Độ. Trong những năm qua, chương trình đã đào tạo hơn 200.000 cán bộ đến từ hơn 160 quốc gia trong lĩnh vực dân sự và quốc phòng.

Theo Đại sứ Sandeep Arya, Chương trình ITEC đã tạo ra một mạng lưới cựu học viên rộng lớn trên khắp các châu lục. Ngày ITEC là sự kiện thường niên do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm làm mới lại mối quan hệ giữa Ấn Độ với các cựu học viên ITEC tại Việt Nam – những người được coi là cầu nối, đóng góp vào tình hữu nghị, sự thấu hiểu và trân trọng lẫn nhau, đặc biệt ở cấp độ giao lưu nhân dân giữa hai nước.

“Chúng tôi chào đón tất cả các bạn, đặc biệt là các cựu sinh viên ITEC với tư cách là những người bạn của quan hệ đối tác Ấn Độ - Việt Nam và là những đại sứ hiểu biết về Ấn Độ tại Việt Nam”, Đại sứ phát biểu.

Tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Đoàn Thị Tuyết Nhung bày tỏ sự trân trọng con người, đất nước Ấn Độ, nơi được xem là cái nôi của văn minh nhân loại, vùng đất của sự đa dạng văn hóa.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung đánh giá cao sự hỗ trợ hiệu quả của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam trong nhiều năm qua trong việc cung cấp học bổng ITEC của Chính phủ Ấn Độ cho nhiều phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của TTXVN. Đây là cơ hội để các học viên giao lưu, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ với các đồng nghiệp, bạn bè Ấn Độ và các quốc gia khác. Nhiều học viên chia sẻ sau khóa học ITEC, họ đã quay trở lại công việc với sự tự tin và cảm hứng mới. Những kiến thức và sự trải nghiệm mà họ có được trong thời gian học tập ở Ấn Độ đã bổ trợ rất nhiều cho công việc.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung cho biết số lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của TTXVN tham gia chương trình ITEC đến nay đã lên đến hàng chục người; trong số đó, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo của TTXVN. Họ đồng thời là những người truyền cảm hứng cho đồng nghiệp tình cảm yêu mến đất nước, con người Ấn Độ.

Thay mặt Ban lãnh đạo TTXVN, Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung chân thành cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của Đại sứ quán trong thời gian tới.

Theo Đại sứ quán Ấn Độ, ngay cả trong thời kỳ bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, Chương trình ITEC vẫn được tiếp tục triển khai thường xuyên thông qua các khóa trực tuyến hay còn gọi là e-ITEC.

Ngoài các chương trình đào tạo đa quốc gia được lên kế hoạch trước, Ấn Độ còn cung cấp chương trình đào tạo dành riêng cho từng quốc gia trong các lĩnh vực quản trị và kỹ năng cụ thể thông qua những chương trình đào tạo được các tổ chức hàng đầu ở Ấn Độ thiết kế và giảng dạy.

Chương trình ITEC - chương trình hợp tác phát triển hàng đầu giữa Ấn Độ-Việt Nam, bắt đầu từ những năm 1970. Sự hiện diện của đội ngũ hơn 3.400 cựu học viên ITEC tại Việt Nam phản ánh mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực nâng cao năng lực và chia sẻ chuyên môn. Sự phù hợp và hữu ích của chương trình ITEC tại Việt Nam được thể hiện qua số lượng học bổng ITEC ngày càng tăng, hiện có khoảng 200 suất học bổng ITEC dân sự và quốc phòng dành cho Việt Nam.

Chương trình ITEC bao gồm phát triển nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ thông tin, hành chính công, doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh, phát triển nông thôn, các vấn đề quốc hội, báo chí, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, tài chính, kế toán, khoa học vũ trụ, an ninh mạng... Tương tự, lĩnh vực quốc phòng có các chương trình đào tạo về gìn giữ hòa bình, an ninh và chiến lược của Liên hợp quốc, quản lý quốc phòng, kỹ thuật hàng hải và hàng không, hậu cần và quản lý, hải văn, chống khủng bố & chống bạo loạn.../.

Xem thêm