Giáo dục

Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội: Phần Nghị luận xã hội đề Ngữ văn không dễ

Hà Nội

Sau thời gian làm bài 120 phút, phần lớn học sinh cho rằng đề thi vừa sức, chỉ có câu Nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh phải có kiến thức xã hội sâu, rộng, đa chiều.

Thí sinh và phụ huynh xem đề bài thi môn Ngữ văn.
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Ngày 8/6, các thí sinh ở Hà Nội bắt đầu Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 với bài thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận. Sau thời gian làm bài 120 phút, phần lớn học sinh cho rằng đề thi vừa sức, chỉ có câu Nghị luận xã hội (câu 3, phần II) yêu cầu thí sinh phải có kiến thức xã hội sâu, rộng, đa chiều. Do đó, khá nhiều thí sinh cho biết không dễ kiếm điểm ở phần này. Theo ghi nhận chung của phóng viên TTXVN tại một số điểm thi, tâm trạng chung của các thí sinh sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi khá nhẹ nhõm, vui vẻ.

Em Nghiêm Gia Linh, thí sinh thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Thăng Long (quận Ba Đình) cho biết, em ôn tập đều các nội dung trong chương trình, tuy nhiên, đề thi lấy ngữ liệu trong tác phẩm "Đồng chí" thì em chưa từng nghĩ tới. Tuy nhiên, em vẫn tự tin với bài thi của mình, bởi tác phẩm này cũng đã được giáo viên ôn tập trước đó. “Em hy vọng mình được điểm 8 trở lên với bài làm của mình”, Gia Linh chia sẻ.

Còn em Nguyễn Thái Nam, thí sinh thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) thì cho rằng, câu Nghị luận xã hội tương đối khó, thí sinh cần phân tích thật khéo léo và đầy đủ các góc cạnh, đa dạng về góc nhìn vấn đề.

“Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta - chủ đề này mới đọc tưởng không khó, nhưng khi đi sâu vào phân tích thì không hề đơn giản, nhất là với tầm hiểu biết của học sinh lớp 9. Em đã rất cố gắng để nêu các khía cạnh của vấn đề, nhưng sợ rằng chưa thể đáp ứng được yêu cầu của đề bài”, Nguyễn Thái Nam cho biết.

Ở phần I, các câu hỏi đọc - hiểu bài thơ "Đồng chí" của tác giả Chính Hữu sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên, đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm thì có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi.

Niềm vui của phụ huynh và thí sinh tại điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn.
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Trong phần II, bài viết “Dám bị ghét” với cuộc đối thoại của Triết gia và Chàng thanh niên bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn được người khác thừa nhận sẽ tạo được nhiều cảm xúc cho các thí sinh khi thực hiện yêu cầu về đoạn văn nghị luận xã hội ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu. Câu hỏi đọc hiểu về 1 ngữ liệu ngoài sách giáo khoa về cách ứng xử của mỗi người để đáp ứng những mong đợi của người khác với bản thân hay theo đuổi đam mê và giá trị của riêng mình. Những cách diễn đạt của câu hỏi trong đề thi như: “theo em”, “nên ứng xử thế nào…?” cho phép học sinh có thể tự do nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được đặt ra. Đây vừa là một vấn đề muôn thuở đồng thời vẫn là một vấn đề gần gũi, quen thuộc với học sinh đặc biệt khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn trong cuộc đời.

Trước buổi thi môn Ngữ văn sáng 8/6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội) đã đi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi và động viên thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Đức và Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an ninh, an toàn nơi bảo quản đề thi, bài thi và các điều kiện hỗ trợ thí sinh tại các điểm thi; đồng thời nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các điểm thi thực hiện nghiêm túc quy chế thi, quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho thí sinh, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống phát sinh... Với các thí sinh, ông Trần Thế Cương động viên các em yên tâm làm bài và thực hiện đúng quy chế thi, nếu có bất cứ vấn đề gì khó khăn, các em có thể nhờ sự hỗ trợ tại điểm thi bảo đảm theo đúng quy chế.

Chiều 8/6, từ 14 giờ, các thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Điểm bài thi này được tính hệ số 1, được khá nhiều thí sinh ở nội thành coi là môn thi gỡ điểm./.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan

Xem thêm