Xã hội

Lạng Sơn: Cần có giải pháp căn cơ khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác than

Lạng Sơn

Nhiều hộ dân ở xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn bức xúc khi phải chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động sản xuất của khai trường Công ty Than Na Dương và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương.

Hoạt động sản xuất của khai trường Công ty Than Na Dương. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

TTXVN - Nhà cửa nứt nẻ, ngập úng rau màu, ô nhiễm không khí, khói bụi bủa vây… là những gì mà người dân của xã Sàn Viên, huyện biên giới Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đang chịu đựng do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác và vận hành của khai trường than Công ty Than Na Dương - VVMI và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương - TKV.

* Bức xúc vì ô nhiễm

Khai trường than lộ thiên của mỏ Than Na Dương nằm "trong lòng" xã Sàn Viên, bởi thế người dân nơi đây phải hứng chịu những ảnh hưởng về môi trường là không thể tránh khỏi.

Nhắc đến những vấn đề môi trường, nhiều hộ dân ở Sàn Viên bức xúc, đặc biệt là tại hai thôn Khòn Sè và Hợp Nhất. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khòn Sè Lường Xuân Quản cho biết, thôn có 125 hộ. Người dân đang chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động sản xuất của khai trường Công ty Than Na Dương và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương.

Trước đây, thôn có dòng suối là nguồn cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho bà con. Tuy nhiên, khi khai trường than Na Dương hoạt động, chất thải đổ ra làm con suối biến dạng, dòng chảy bị nắn. Từ năm 2000 đến nay, mỗi khi mưa lớn dài ngày, nước dâng lên nhanh là ruộng vườn của bà con bị ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và sản xuất mùa vụ. Cùng với đó, hoạt động nổ mìn khai thác than đã khiến nhiều hộ gia đình bị nứt nhà, nứt bể nước và các công trình dân sinh.

“Sau ngập úng, Công ty Than xuống kiểm kê để hỗ trợ từng hộ. Hộ được hỗ trợ nhiều nhất 12 triệu đồng, ít vài chục nghìn đồng. Theo người dân, hỗ trợ như vậy là chưa thỏa đáng vì giá hỗ trợ này áp dụng từ rất nhiều năm nay mà không hề được tăng lên” - Trưởng thôn Khòn Sè cho biết thêm.

Bà Hoàng Thị Huyền, người dân thôn Khòn Sè cho biết: Ngoài 6 sào đất canh tác rau màu của gia đình thường xuyên bị ảnh hưởng, thiệt hại mỗi khi mưa lớn, các thành viên còn phải sống cùng khí thải, khói bụi của Nhà máy. Mỗi khi thời tiết mưa mù là không khí có mùi khó chịu. Mưa xuống, nước vàng khè khiến người dân lo lắng, không dám sử dụng; cây cối không thể sống. Nhiều hộ dùng nước giếng và trong khe núi rất lo lắng.

Được biết, trong các kỳ tiếp xúc cử tri có hiện diện của đại biểu HĐND huyện Lộc Bình, người dân trong xã đều đề cập đến vấn đề môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng cần có những minh chứng về tình trạng ô nhiễm, người dân địa phương không đưa ra ngay được, vì họ không có thiết bị đo đạc chuyên dụng. Mặt khác, tình trạng này mang tính thời điểm khi mưa chứ không thường xuyên liên tục.

Tại thôn Hợp Nhất, cùng với những ảnh hưởng do nổ mìn, khí thải, khói bụi, ngập úng rau màu…, đường giao thông đang là trở ngại rất lớn đến phát triển kinh tế của thôn. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hợp Nhất Nông Thị Tiệp chia sẻ, thôn nằm trong quy hoạch dự án mở rộng khai trường của Công ty Than Na Dương. Người dân muốn xin xây dựng đường từ ngoài xã vào rất khó khăn. Người dân luôn bị động trong việc đi lại. Nếu mưa to, đường bị ngập úng, lầy lội, họ phải chờ xe của Công ty đến san gạt khắc phục mới có thể đi được, chưa kể thời tiết khi nắng gió là bụi bẩn…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sàn Viên Chu Mạnh Dũng khẳng định, những vấn đề trên mà người dân đang gặp phải là chính xác. Các doanh nghiệp cũng đã có hỗ trợ, song chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục được quan tâm khắc phục hơn nữa.

Hoạt động khai thác, vận hành khai trường than Công ty Than Na Dương và nhà máy Nhiệt điện Na Dương gây tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến mùa vụ hoa màu của bà con xã Sàn Viên (Lộc Bình, Lạng Sơn). (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

* Hỏng đâu, chữa đó

Không chỉ có xã Sàn Viên, tại xã Đông Quan và thị trấn Na Dương, người dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ hoạt động của các đơn vị trên.

Trước những ý kiến của cử tri, vào cuối năm 2022, Thường trực HĐND huyện Lộc Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Than Na Dương. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã đề nghị Công ty Than Na Dương thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản. Công ty phối hợp với UBND các xã, thị trấn, hộ gia đình kiểm tra, xác minh thiệt hại hoa màu sau mưa, chi trả kịp thời cho các hộ bị ảnh hưởng; cùng đó là kịp thời sửa chữa, san gạt các tuyến đường bị ảnh hưởng do việc nắn suối của đơn vị để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn…

Tại văn bản số 444/BC-STNMT ngày 31/8/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn về kết quả xác minh thông tin phản ánh trên báo chí về việc Nhà máy Nhiệt điện Na Dương gây ô nhiễm môi trường và xây dựng công trình trái phép, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Than Na Dương - VVMI và Công ty Nhiệt điện Na Dương trong quá trình hoạt động sản xuất tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, quản lý đất đai theo quy định; có cơ chế, chế độ hỗ trợ người dân khu vực khi bị ảnh hưởng do hoạt động sản xuất gây ra theo quy định…

Đối với những vấn đề liên quan đến khai trường của Công ty Than Na Dương, ông Lê Trung Thành, Phó Giám đốc Công ty cho biết, về công tác bảo vệ môi trường, Công ty luôn phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện quan trắc định kỳ và kết quả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. Hằng năm, chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường của Công ty là trên 30 tỷ đồng (gồm trồng cây xanh, xử lý nước thải, đắp đê chắn bãi thải, nạo vét hồ lắng, xúc gạt đường…).

Với công tác nổ mìn, ngay khi nắm được thông tin phản ánh từ phía nhân dân và chính quyền xã Sàn Viên, đơn vị đã tiếp thu, làm việc với Chi nhánh Công nghiệp hóa chất mỏ Lạng Sơn (đơn vị thực hiện công tác nổ mìn) để triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khoan nổ mìn, đưa ra phương án nổ tối ưu nhất từ đó đã hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tới công trình dân sinh gần khai trường của Công ty mà vẫn đảm bảo quy định pháp luật.

Về phản ánh nắn dòng suối gây thiệt hại đến hoa màu, đại diện Công ty Than Na Dương thông tin, Công ty đã tiến hành khảo sát, lập phương án nắn suối, thi công nạo vét mương, rãnh, dự kiến triển khai từ năm 2024; đồng thời việc hỗ trợ thiệt hại về rau màu vẫn được duy trì. Năm 2022, đơn vị đã hỗ trợ 87 hộ dân xã Sàn Viên với số tiền trên 222 triệu đồng.

Trao đổi thông tin về vấn đề khí thải Nhà máy Nhiệt điện dẫn đến tình trạng héo úa hoa màu, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương Hà Quang Thứ cho hay, đơn vị chưa nhận được thông tin phản ánh từ phía người dân. Nếu nhận được phản ánh, cơ quan chức năng cần xác định xem có phải do tác động của khí thải nhà máy hay không. Bởi lẽ, công tác giám sát khí thải luôn được Công ty triển khai chặt chẽ theo hình thức online, các thông số được hiển thị công khai và truyền trực tiếp về Trung tâm Tài nguyên và Môi trường của tỉnh. Tất cả khí thải của nhà máy đều đạt ngưỡng cho phép theo quy định. Công ty luôn bố trí phương tiện phun nước tưới đường để giảm bớt bụi bẩn phân tán xung quanh nhà máy và bãi sỉ thải… Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Na Dương cam kết, nếu người dân bị ảnh hưởng từ hoạt động của nhà máy sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Công ty.

Mặc dù hai đơn vị đã có những biện pháp khắc phục khó khăn cho người dân tuy nhiên những biện pháp đó chỉ là tạm thời, “hỏng đến đâu, chữa đến đó” chứ chưa triệt để. Nhân dân xã Sàn Viên và một số xã, thị trấn lân cận mong có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu, lâu dài từ các đơn vị, nhà quản lý, chính quyền các cấp… để không phải thấp thỏm sống ở môi trường “không trong lành”./.


Nguyễn Quang Duy

Xem thêm