Lào Cai phấn đấu trong năm 2024 - 2025, bên cạnh việc duy trì mức độ đạt chuẩn nông thôn mới tại 62 xã đã được công nhận, địa phương có thêm 22 xã nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, Lào Cai đã đạt được nhiều dấu ấn trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với địa phương hiện nay là làm sao để đẩy nhanh hơn nữa đồng thời duy trì, nâng “chất” các tiêu chí đạt.
* Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân
Trong quá trình xây dựng thành công và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, một trong những giải pháp được các địa phương Lào Cai chú trọng thực hiện đó là phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu để tiếp tục nâng cao đời sống kinh tế nhân dân.
Xuân Quang là xã vùng hai của huyện Bảo Thắng có 12 dân tộc cùng chung sống. Năm 2020, xã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Trước đó, trong lộ trình về đích, xã đã nhận được sự đồng thuận tích cực của nhân dân. Người dân đã góp công, góp của làm được 74 km đường giao thông nông thôn, trị giá 15 tỷ đồng; hiến 4,2ha đất trị giá 22 tỷ đồng; hiến cây cối hoa màu trên đất và tài sản trên đất trị giá 8 tỷ đồng. Xã đã vận động nhân dân xây dựng mới được 19 nhà văn hóa trị giá 6,8 tỷ đồng; quy hoạch, mở rộng nghĩa trang nhân dân trị giá 4,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, xã vận động nhân dân mở rộng đường giao thông nông thôn từ 4m lên 6m được 12,7 km, nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng; làm được 97 km đường điện thắp sáng gắn với đường cờ trị giá 3,7 tỷ đồng; trồng và chăm sóc 48,2 km đường hoa, cây xanh.
Để giữ vững các tiêu chí, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân tham gia phát triển kinh tế giúp nhau giảm nghèo bền vững. Điển hình như trang trại do ông Phan Nhật Quang, thôn Làng Bông làm chủ với mô hình nuôi gà thương phẩm, cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Phan Nhật Quang cho biết, trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Bản thân ông cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ các hộ trên địa bàn xã bằng con giống, thức ăn tới khi xuất chuồng mới thanh toán tiền.
Nhờ chuyển đổi các mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 78 triệu đồng/người/năm, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2%, toàn xã không còn nhà tạm.
Vào đầu tháng 6/2024, Hội Nông dân huyện Bảo Thắng phối hợp với Hội Nông dân xã Xuân Quang tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi xã Xuân Quang nhằm tạo môi trường để nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết tạo chuỗi giá trị gắn với phát triển ngành nghề và ứng dụng khoa học công nghệ...
Đây là câu lạc bộ sản xuất - kinh doanh giỏi đầu tiên của Lào Cai, đồng thời là câu lạc bộ mẫu để triển khai, phát triển tại cấp huyện, cấp xã, góp phần thực hiện tốt các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
* Tự nguyện hiến đất mở rộng đường
Phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, tuy nhiên một trong những tiêu chí quan trọng mà xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cảm thấy khó khăn nhất là đường giao thông nông thôn phải rộng 6m trở lên, gấp đôi so với trước đây. Đây là thách thức không nhỏ đối với địa phương bởi quỹ đất của các tuyến đường hiện nay đủ 3m mặt đường và lề đường rất nhỏ. Nhiều công trình xây dựng sát mép đường, nếu đầu tư mở rộng mặt đường buộc phải tháo dỡ, thiệt hại đến kinh tế, cơ sở hạ tầng của người dân trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước hiện nay không có và cần phải mở rộng lên đến 8m mới được đầu tư công.
Trong bối cảnh đó, phong trào "Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất" do Huyện ủy Văn Bàn phát động là bước đột phá mới giúp xã từng bước hoàn thành tiêu chí đường giao thông nông thôn. Để thực hiện phong trào này, xã đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc ban hành Lời kêu gọi ủng hộ đến đảng viên, cán bộ công chức và nhân dân, doanh nghiệp trong, ngoài xã. Ban Chỉ đạo và các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức họp tuyên truyền tới hàng nghìn lượt người tham dự, qua đó đã lựa chọn các tuyến đường theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau" trên tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc phá bỏ cây cối, hoa màu công trình của người dân.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, khảo sát cho thấy tuyến đường thôn Là 1 - Lù 3 không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Với sự ủng hộ của nhân dân, năm 2023, tuyến đường được mở rộng lên 7m; trong đó, mặt đường được nâng cấp lên thành 6 m với tổng chiều dài 1,34 km. Có 55 hộ hiến đất với tổng diện tích là 2.900 m2; trong đó, có 2.400 m2 đất trồng cây lâu năm và đất rừng trồng sản xuất, 500 m2 đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng cây hằng năm khác. Tổng số tiền vận động từ nguồn xã hội hóa, huy động nhân dân san sửa đường, đóng góp và tiền mặt đạt trên 211 triệu đồng.
Gia đình chị Lương Thị Nhớ là một trong những hộ tiên phong hiến đất của thôn Là 1. Khi xã, thôn có chủ trương mở rộng đường gia đình chị tự nguyện đập bỏ tường rào, dịch chuyển lùi vào hơn 3m để thi công công trình. “Bây giờ xe máy, ô tô nhiều, đường chật hẹp quá; các cháu học sinh hằng ngày đi học về cũng nguy hiểm. Đường mở rộng rồi, vừa sạch đẹp, vừa an toàn cho bà con đi lại nên gia đình rất ủng hộ”, chị Nhớ chia sẻ.
Đầu năm 2024, Ban chỉ đạo lựa chọn tuyến đường thôn Tân Tiến để thực hiện. Với 42 hộ dân hiến 1.300 m2 đất, sau 1 tháng thi công, xã đã hoàn thành tuyến đường với chiều dài 1,2 km. Nhiều hộ tự nguyện chặt bỏ cây cối, hoa màu trong phạm vi ảnh hưởng. Thôn đã thực hiện bê tông hóa mặt đường rộng 6m với nguồn kinh phí xã hội hóa và đóng góp từ nhân dân, hợp tác xã trên 310 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện nay, các thôn đã và đang tiếp tục thực hiện việc mở rộng đường như: thôn Bất 2 với chiều dài 1,7 km; thôn Vinh 2 thực hiện mở rộng mặt đường lên 6m với chiều dài 1 km, nhân dân hiến 2.100 m2 đất.
Không chỉ tại Võ Lao, phong trào "Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất" lan tỏa đến nhiều địa bàn như xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Tân Thượng... góp phần không nhỏ trong mở rộng đường giao thông nông thôn và giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình.
Lào Cai phấn đấu trong năm 2024 - 2025, bên cạnh việc duy trì mức độ đạt chuẩn nông thôn mới tại 62 xã đã được công nhận, địa phương có thêm 22 xã nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đó, Lào Cai chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung giải ngân các dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt là huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình này với nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn, để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân./.
- Từ khóa:
- Lào Cai
- nông thôn mới
- hiến đất