Thời sự

Nâng cao chất lượng Bộ pháp điển, phục vụ tối đa nhu cầu tra cứu của tổ chức, cá nhân

Qua việc pháp điển 263/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 8 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Thúy/CTV)

(TTXVN) Chiều 29/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.

Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013. Để triển khai xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023).

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Thắng cho biết, sau gần 9 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg, đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt hơn 97% khối lượng. Về cơ bản, Bộ pháp điển đã "về đích sớm" hơn 1 năm so với thời hạn.

Qua việc pháp điển 263/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 8 nghìn văn bản trên tổng số khoảng 9 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực. Bộ pháp điển hiện nay được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực đẩy mạnh chất lượng, tiến độ của công tác này. Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản để triển khai công tác pháp điển, theo dõi sát sao, nắm bắt đầy đủ thông tin, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc về tình hình triển khai của các bộ, ngành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tới từng cán bộ, công chức được giao thực hiện pháp điển.

Về cơ bản, Bộ pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic. Việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu, Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Bộ pháp điển vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc bố trí nhân sự tại các đơn vị thuộc bộ, ngành làm công tác pháp điển vẫn chưa tương xứng với tính chất và khối lượng công việc, lại thường xuyên thay đổi. Trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển khá phức tạp khiến cho việc thực hiện tốn nhiều thời gian, công sức. Bộ pháp điển còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nên khó khăn khi tra cứu, sử dụng...

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Duy Tiến đánh giá, pháp điển góp phần phát hiện các quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, pháp điển góp phần phát hiện kịp thời "khoảng trống" của hệ thống pháp luật. Bộ pháp điển là công cụ quan trọng góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu và áp dụng các quy phạm pháp luật của các chủ thể trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu đối với công tác xây dựng Bộ pháp điển mang lại cho cá nhân, tổ chức cách tiếp cận vừa tổng thể, vừa chi tiết về hệ thống pháp luật. Mặt khác, quá trình xây dựng, cập nhật Bộ pháp điển cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Việc này sẽ góp phần xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng Bộ pháp điển, bảo đảm Bộ pháp điển có “chất lượng tốt nhất” và phục vụ tối đa nhu cầu khai thác, tra cứu các quy định pháp luật hiện hành của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cập nhật, khai thác Bộ pháp điển; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Bộ pháp điển nhằm tăng cường hơn nữa tính kịp thời, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật./.

Phan Phương

Xem thêm