Xã hội

Ngân hàng thực phẩm Hậu Giang: Hỗ trợ và cung cấp thực phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn

Hậu Giang

Ngân hàng này hoạt động với sứ mệnh giảm bớt tình trạng thiếu đói, cải thiện dinh dưỡng cho các gia đình nghèo, người lao động có thu nhập thấp và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác trong tỉnh và khu vực lân cận.

Trao quyết định thành lập Ban điều hành Food Bank Hậu Giang.
Ảnh: Phạm Duy Khương - TTXVN

Ngày 23/8, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Hậu Giang ra mắt Ngân hàng thực phẩm Hậu Giang (Food Bank Hậu Giang) và Chương trình hỗ trợ người yếu thế trên địa bàn tỉnh cùng các khu vực lân cận.

Ngân hàng thực phẩm Hậu Giang (Food Bank Hậu Giang) là thành viên thứ 17 trong mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam được thành lập nhằm hỗ trợ và cung cấp thực phẩm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Ngân hàng này hoạt động với sứ mệnh giảm bớt tình trạng thiếu đói, cải thiện dinh dưỡng cho các gia đình nghèo, người lao động có thu nhập thấp và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác trong tỉnh và khu vực lân cận. Tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, Food Bank Hậu Giang là thành viên thứ 4, sau Bến Tre, Kiên Giang và Vĩnh Long.

Hỗ trợ các phần quà của Food Bank Việt Nam cho hộ dân nghèo, hộ khó khăn, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Ảnh: Phạm Duy Khương - TTXVN

Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, mục tiêu của Ngân hàng thực phẩm Hậu Giang là điểm cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho gia đình khó khăn khi cần thiết; đảm bảo các gia đình khó khăn có thể tiếp cận được thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu để duy trì sức khỏe và đời sống cơ bản. Ngân hàng thực phẩm còn giúp nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức trong sử dụng thực phẩm hợp lý, tiết kiệm.

“Ngân hàng Thực phẩm tại địa phương không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn khích lệ, động viên tinh thần cho người yếu thế, đồng hành cùng trẻ em khó khăn, dân tộc thiểu số, tạo cơ hội, kết nối việc làm cho người dân. Food Bank Hậu Giang sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nguồn thực phẩm, hỗ trợ các gia đình và cá nhân gặp khó khăn, cũng như giảm lãng phí thực phẩm trong cộng đồng”, ông Nguyễn Tuấn Khởi cho biết.

Ký kết biên bản hợp tác triển khai chương trình “ Hỗ trợ và nhận thực phẩm, trao, tặng thực phẩm cho người khó khăn tại tỉnh Hậu Giang”.
Ảnh: Phạm Duy Khương - TTXVN

Theo ông Nguyễn Chí Nghề, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Food Bank Hậu Giang hướng đến thực hiện mục tiêu kép là kết nối nguồn lực, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn thực phẩm cộng đồng tại địa phương; đồng thời mang đến nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho người yếu thế, hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về chống lãng phí thực phẩm.

Kho thực phẩm cộng đồng của tỉnh Hậu Giang (Food Bank Hậu Giang). 
Ảnh: Phạm Duy Khương – TTXVN

Food Bank Hậu Giang và Chương trình “Hỗ trợ và nhận thực phẩm, trao, tặng thực phẩm đến người dân có hoàn cảnh khó khăn” được thực hiện với các hoạt động chủ yếu như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống lãng phí thực phẩm, sẵn sàng chia sẻ thực phẩm đến các đối tượng bảo trợ, đối tượng dễ bị tổn thương vì mục đích nhân đạo; phát huy vai trò là tổ chức nhân đạo nhằm kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án cộng đồng về chống lãng phí thực phẩm và dinh dưỡng cho người yếu thế. Từ đó, duy trì và mở rộng loại hình hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội Chữ thập đỏ trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, bữa ăn cho người khó khăn. Food Bank Hậu Giang còn là trung tâm phân phối nguồn lực thực phẩm dư thừa, tồn kho của gia đình, doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị… đến người nghèo, người vô gia cư, người khiếm khuyết về tinh thần, thể chất, người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương khác… thông qua các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ Thập đỏ, đặc biệt là các đơn vị trong hệ thống Food Bank Việt Nam.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có trên 194 ngàn hộ dân. Trong đó, đến cuối năm 2023, trên địa bàn còn hơn 7.000 hộ nghèo, giảm 27,9 %; hơn 6.000 hộ cận nghèo giảm 18,3% so với chỉ tiêu năm 2022./.

Phạm Duy Khương

Xem thêm