Xã hội

Nghệ An: Tiếp tục sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm

Nghệ An

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mặc dù lượng mưa đã giảm, một số địa phương không còn mưa, nhưng thiệt hại và nguy cơ vẫn còn, nhất là tình trạng sạt lở đất đá và lũ quét vẫn có thể xảy ra.

Nhiều nhà dân và các cơ quan đơn vị tại khối 1 thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị chia cắt do nước lũ chảy xiết. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25/9 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất đá tại nhiều địa phương trong tỉnh và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản người dân và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng cho các địa phương.

Theo UBND xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), trên địa bàn xã đã có một người mất tích là ông L.V.Kh. (sinh năm 1948, trú tại bản Hoa Tiến 1); chính quyền địa phương và gia đình đã huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Thống kê của các địa phương, đến sáng 28/9, tại huyện Kỳ Sơn đã có 142 người phải sơ tán; toàn tỉnh có 1.860 nhà dân bị ngập, 927 nhà bị nước làm cô lập; thiệt hại 1.866 ha lúa, 3.339 ha hoa màu, 1.969 ha cây công nghiệp, 106 ha cây ăn quả cùng nhiều loại cây trồng khác; 377 con gia súc, 3.700 con gia cầm bị chết; 1.023 ha ao hồ nuôi thủy sản bị ngập; sạt lở 10.784 m đường giao thông, 1.497 m kênh mương, 635 m bờ sông; hư hỏng 17 cầu tràn, 7 cống...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mặc dù lượng mưa đã giảm, một số địa phương không còn mưa, nhưng thiệt hại và nguy cơ vẫn còn, nhất là tình trạng sạt lở đất đá và lũ quét vẫn có thể xảy ra. Trong khi đó, công tác khắc phục những thiệt hại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi... còn gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

Trong những ngày qua, mặc dù mực nước sông suối lên cao, nước chảy xiết, mặc dù chính quyền địa phương luôn tuyên truyền nghiêm cấm người dân đánh bắt cá và vớt củi trên sông, suối nhưng tại một số địa phương trong tỉnh, tình trạng người dân ra sông đánh bắt cá, vớt củi vẫn còn do nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan. Đây là việc làm bất chấp nguy hiểm, nhiều rủi ro xảy ra, nhất là trong thời điểm có mưa lớn, nước chảy xiết, mực nước sông suối đang lên.

Chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát, sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời, tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại; triển khai phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

Ngành Giao thông Vận tải tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc khắc phục sự cố.

Các ngành chức năng trong tỉnh sẵn sàng lực lượng để cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.

Tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương và các ngành chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực đang ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc đang có nguy cơ sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng để tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra./.

Nguyễn Văn Nhật

Xem thêm