Tại Hội nghị chiều 8/12, đại diện các cơ quan, đơn vị đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào những văn bản hồ sơ dự án Luật; những vấn đề bất cập, nảy sinh trong nghiên cứu, soạn thảo.
TTXVN - Chiều 8/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban soạn thảo Luật Phòng không nhân dân. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo Luật, chủ trì Hội nghị.
Tham dự có các Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Phòng không nhân dân và thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập thuộc các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng.
Tại Hội nghị, đại diện Quân chủng Phòng không - Không quân, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã báo cáo kết quả soạn thảo hồ sơ dự án Luật và kết quả xin ý kiến ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự kiến nhiệm vụ tiếp theo và kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan đến công tác soạn thảo dự thảo Luật.
Về nội dung cơ bản, sau khi tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các cơ quan đơn vị trong Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành địa phương, hiện nay dự thảo Luật gồm 8 chương, 56 điều, quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, tổ chức hoạt động, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng không nhân dân.
Dự thảo Luật quy định thành phần, lực lượng, cơ quan chỉ đạo, hệ thống chỉ huy lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, trường hợp huy động lực lượng phòng không nhân dân, thời hạn, độ tuổi, thẩm quyền huy động...; nội dung hoạt động, xây dựng kế hoạch, xây dựng thế trận phòng không nhân dân...; nguồn lực bảo đảm cho hoạt động phòng không nhân dân, chế độ chính sách đối với người được huy động làm nhiệm vụ, bảo đảm trang bị cho lực lượng phòng không nhân dân...
Đáng chú ý có các nội dung về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ bảo đảm an toàn phòng không, gồm các quy định về: Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất; nghiên cứu thực tế sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm phương tiện; đăng ký, khai thác sử dụng, đình chỉ chuyến bay; tạm giữ, bắt giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ...
Đối với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng không nhân dân, Bộ Tư pháp có ý kiến cho rằng, Tờ trình phải làm rõ tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2014; Luật Đầu tư năm 2020, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019...
Về vấn đề này, Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ, không để chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định giữa luật chuyên ngành về quốc phòng với dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Dự thảo Luật xây dựng theo hướng chuyển các nội dung liên quan đến quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ từ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam về quy định tại luật chuyên ngành về quốc phòng.
Đối với dự thảo Luật, nhiều ý kiến quan tâm đến nội dung quy định về tổ chức, cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân, thành phần lực lượng phòng không nhân dân, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... Về vấn đề này, Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, rà soát các quy định trong dự thảo Luật, đảm bảo không làm tăng biên chế người hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia hoạt động phòng không nhân dân để không tạo gánh nặng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Dự án Luật được thiết kế theo hướng thời bình sử dụng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Quy định như trong dự thảo nhằm tạo nên một lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp từ cấp xã đến cấp tỉnh, góp phần quan trọng cho công tác quản lý vùng trời của Tổ quốc.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào những văn bản hồ sơ dự án Luật; những vấn đề bất cập, nảy sinh trong nghiên cứu, soạn thảo để quy định cho phù hợp, tránh chồng chéo, không tạo khoảng trống pháp lý trong triển khai thực hiện; đề xuất, phân tích, làm rõ những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung đối với các quy định của dự thảo Luật.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban soạn thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Quân chủng Phòng không-Không quân, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) và các cơ quan của Bộ Quốc phòng trong thời gian qua đã nỗ lực, cố gắng triển khai xây dựng dự thảo Luật bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và quy định của pháp luật.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến bằng văn bản gửi về Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế nghiên cứu kỹ các ý kiến đóng góp tại Hội nghị để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đồng thời xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; triển khai công tác chuẩn bị mọi mặt phục vụ Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật; trong đó chú ý các nội dung giải trình làm rõ, lập luận, phản biện những ý kiến mà ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm, đã đề cập trong văn bản góp ý và các ý kiến trực tiếp tại hội nghị thẩm định.
Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương giao Quân chủng Phòng không - Không quân, Vụ Pháp chế bám sát các cơ quan liên quan của Bộ Tư pháp để sớm có Báo cáo thẩm định, nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ; sẵn sàng tham gia các Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội theo kế hoạch khảo sát của Ủy ban./.