Xã hội

Người truyền lửa chuyển đổi số

Ninh Bình

Chuyển đổi số thành công ở Yên Hòa có ý nghĩa chiến lược để cấp ủy, chính quyền Ninh Bình tự tin hơn, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo đề ra chủ trương, giải pháp về chuyển đổi số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình Đoàn Thanh Hải (đứng) trao đổi chuyên môn với các cán bộ, công chức của Sở. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

TTXVN - Ninh Bình được biết đến là một trong những địa phương có tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số nhanh nhất cả nước. Đặc biệt từ năm 2020, từ một tỉnh trung bình, Ninh Bình đã vươn lên tốp đầu cả nước về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Đạt được kết quả này có sự vào cuộc rất tích cực của ngành thông tin và truyền thông, trong đó ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã thể hiện rất rõ vai trò, bản lĩnh của người đứng đầu.

Dồn tâm huyết cho mô hình thí điểm

Trao đổi về những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chuyển đổi số của tỉnh, ông Đoàn Thanh Hải khiêm tốn cho rằng, kết quả đạt được là sự nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân. Vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông là tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình, mục tiêu, kế hoạch thực hiện xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn; hỗ trợ các đơn vị trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các công việc liên quan trong công tác chuyển đổi số.

Đối với các kết quả ban đầu trong chuyển đổi số tại Ninh Bình, điểm nhấn quan trọng nhất là việc thực hiện thành công thí điểm chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô. Thời điểm năm 2020, đoàn Công tác của Chính phủ về làm việc với tỉnh về lĩnh vực chuyển đổi số đã nhấn mạnh đến việc chọn một địa phương cấp xã để triển khai mô hình thí điểm và Yên Hòa là xã được chọn. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Giám đốc Đoàn Thanh Hải đã tham mưu với UBND tỉnh về các kế hoạch triển khai và phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện kế hoạch.

Trước đây, xã Yên Hòa thường giải quyết công việc theo cách truyền thống với hồ sơ, giấy tờ in ấn, viết tay mất nhiều thời gian, tốn kém. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại đây còn nhiều hạn chế. Khi được chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số, Yên Hòa được đầu tư nâng cấp thiết bị, đường truyền, đặc biệt là đường truyền số liệu chuyên dùng, triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tăng cường hệ thống camera an ninh, triển khai sử dụng chữ ký số cho toàn bộ cán bộ, công chức của xã.

Kết quả, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ. Toàn bộ văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn văn bản chưa được xử lý, không còn tình trạng in văn bản ra để xin ý kiến lãnh đạo. 100% văn bản do UBND xã ban hành được ký số và gửi trên hệ thống. Cùng với đó, người dân xã Yên Hòa được thụ hưởng các kết quả trong chuyển đổi số, khi đến làm việc tại trụ sở xã không còn phải mang nhiều giấy tờ như trước, mọi công việc được giải quyết nhanh hơn. Người dân có thể ngồi ngay tại nhà để giải quyết thủ tục hành chính thông qua điện thoại thông minh.

Ông Đoàn Thanh Hải chia sẻ, theo cách làm thông thường, sẽ thực hiện từ cấp trên xuống cấp dưới, nhưng Ninh Bình lại thực hiện thí điểm từ cấp dưới lên. Vì vậy, khi mới bắt đầu thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại Yên Hòa, Sở Thông tin và Truyền thông gặp không ít những khó khăn. Thay đổi thói quen trong hệ thống xử lý văn bản, giải quyết thủ tục hành chính từ giấy tờ sang số hóa cần một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, việc tiếp cận công nghệ thông tin của người dân cần được nâng lên.

Xác định việc thực hiện chuyển đổi số thành công tại Yên Hòa sẽ là cơ sở để triển khai nhân rộng, Giám đốc Đoàn Thanh Hải đã dồn hết tâm huyết, thời gian chỉ đạo các cán bộ, công chức của Sở thực hiện đúng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Ông đã nhiều lần trực tiếp xuống cơ sở, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời theo thẩm quyền.

Điều này đã góp phần quan trọng đạt được thành công trong chuyển đổi số tại Yên Hòa theo tiến độ đề ra, mang lại nhiều tiện ích trong công tác của Đảng ủy, chính quyền và người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như những nhiệm vụ chính trị khác trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số thành công ở Yên Hòa có ý nghĩa chiến lược để cấp ủy, chính quyền Ninh Bình tự tin hơn, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo đề ra chủ trương, giải pháp về chuyển đổi số.

Lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu

Từ mô hình thí điểm này, Sở Thông tin và Truyền thông nhân rộng thành công ra 13 xã khác trong tỉnh, làm tiền đề thực hiện chuyển đổi số tại tất cả các xã trên địa bàn. Đến nay đã có 27 xã hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số. Dự kiến năm 2023 sẽ có thêm 79 xã hoàn thành, nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí chuyển đổi số lên 106/143 và định hướng tất cả các xã trên địa bàn sẽ hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2024.

Ông Hải đã triển khai, đôn đốc các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người dân về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch của Sở về tuyên truyền hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; thí điểm thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; chỉ đạo triển khai tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về Chuyển đổi số trên mạng internet với hơn 100.000 lượt người tham gia dự thi...

Đặc biệt, các phòng chức năng của Sở tăng cường nhân lực, vật lực triển khai thực hiện các kế hoạch của Sở trong chuyển đổi số. Giám đốc trực tiếp phân công, phân nhiệm gắn với trách nhiệm cụ thể từng trưởng phòng với quan điểm "làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ".

Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, chính quyền chỉ đạo thông suốt, minh bạch, hiệu quả, việc triển khai rộng rãi chuyển đổi số tại cấp chính quyền cơ sở đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Ông Đoàn Thanh Hải đã tham mưu với Tỉnh ủy đưa nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 vào Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn; Kế hoạch triển khai thí điểm xây dựng Chính quyền số cấp sở, ngành tại các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Công Thương.

Từ những nỗ lực không ngừng của người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh cùng sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức của Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình năm 2021 đã tăng 2 bậc so với năm 2020, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2022, Ninh Bình là địa phương tốp đầu của cả nước về tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, là một trong 6 địa phương được Trung ương biểu dương có thành tích trong triển khai Đề án 06.

Ninh Bình còn là một trong 5 tỉnh, thành phố được vinh danh có thành tích tiêu biểu trong tổ chức triển khai chủ trương cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình chuyển đổi số quốc gia; được vinh danh tốp 5 địa phương cung cấp dịch vụ công tốt nhất năm 2022.

Trong khuôn khổ sự kiện Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức năm 2021, ông Đoàn Thanh Hải được chọn là một trong 8 lãnh đạo khối địa phương được vinh danh lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu./.

Đức Phương

Xem thêm