Nhân ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10): Tăng cường chống chịu, giảm thiểu rủi ro thiên tai
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với các tình huống thiên tai lớn, báo cáo lãnh đạo Chính phủ thông qua; đồng thời thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế
TTXVN - Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10/2023 được các cơ quan quản lý thiên tai của các quốc gia trong khối ASEAN thống nhất lựa chọn chủ đề: "Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN tiến tới mục tiêu Lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai". Tại Việt Nam, công tác ứng phó và hành động sớm trong phòng, chống thiên tai đã ngày càng chủ động hơn, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội.
*Quyết liệt vào cuộc
Năm 2023, thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai, làm chết và mất tích 115 người, 114 người bị thương với nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 5.750 tỷ đồng (gấp 1,13 lần so với năm 2022). Riêng trong tháng 9, thiên tai đã làm 19 người chết, 6 người mất tích, 17 người bị thương; 14 nhà sập đổ, 854 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 61 điểm trường bị ảnh hưởng; 40.082 ha lúa, hoa màu thiệt hại. Sạt lở nhiều tuyến đường với tổng khối lượng đất đá 75.316 m3; 12 cầu bị hư hỏng, cuốn trôi. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 282 tỷ đồng.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tham mưu chỉ đạo bài bản, kịp thời bằng các công điện, văn bản chỉ đạo; phối hợp tổ chức các cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì với sự tham gia của gần 100 nghìn lượt điểm cầu tại các tỉnh, thành phố để ứng phó với thiên tai. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Công điện; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành 11 Công điện. Các địa phương cũng ban hành 25 công văn triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với các tình huống thiên tai lớn, báo cáo lãnh đạo Chính phủ thông qua; đồng thời thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Ví dụ về việc ứng phó với bão số 4 (bão Noru) vào tháng 9/2022, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, sức gió mạnh nhất gần đạt cấp siêu bão, dự báo rủi ro thiên tai cấp 4. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường. Ban Chỉ đạo tiền phương đã làm việc xuyên đêm tại 3 điểm cầu địa phương nơi bão số 4 trực tiếp ảnh hưởng là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã liên tục theo dõi sát diễn biến; chỉ đạo trực tuyến với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để nắm rõ và triển khai công việc ở từng địa phương. Với sự chủ động trong công tác chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, bão số 4 hầu như không gây thiệt hại trực tiếp.
Cùng với việc xây dựng, triển khai kịch bản ứng phó kịp thời với tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo, vận hành hệ thống hồ chứa, nhất là trong các đợt mưa lũ lớn được triển khai chủ động, linh hoạt đã góp phần cắt lũ, giảm thiểu ngập lụt và thiệt hại cho hạ du.
Các bộ, ngành liên quan nhất là lực lượng quân đội, công an, giao thông vận tải, khí tượng thủy văn và các địa phương cũng đã quyết liệt, bám sát, chỉ huy trực tiếp tại địa bàn, các khu vực trọng yếu; triển khai kịp thời công tác di dời, sơ tán người dân, tài sản ở các khu vực ảnh hưởng bởi bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...
Để công tác phòng, chống thiên tai phát huy hiệu quả kịp thời, lâu dài, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã bố trí tăng kinh phí nâng cấp, sửa chữa, nhất là đối với hệ thống đê điều, hồ đập, góp phần đảm bảo an toàn cho 242 vị trí trọng điểm đê, kè từ cấp III đến cấp đặc biệt và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố. Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2022, các tỉnh, thành đã bố trí 3.268 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư công trình phòng, chống thiên tai; tổ chức thu Quỹ phòng, chống thiên tai lũy kế đạt 5.231 tỷ đồng và chi 3.284 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống thiên tai.
*Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác này còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế kéo dài, chưa xử lý dứt điểm như: Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn còn thiếu. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện. Việc thành lập đội ngũ xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đặc biệt là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều...; thực hiện công tác phòng, chống thiên tai bằng cách chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.
Các đơn vị cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương; nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư... tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai; triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành công trình phòng, chống thiên tai và các cơ sở hạ tầng. Các địa phương có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai nhất là trước mùa mưa lũ; triển khai, thực hiện tốt Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; thực hiện tốt Quyết định 533/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030"./.