Chính bản thân những người chấp hành xong án phạt tù đã nỗ lực, cố gắng vượt qua những mặc cảm, tự ti vươn lên trong cuộc sống để tái hòa nhập cộng đồng thành công.
TTXVN - Ngày 26/11, tại Đồng Nai, Bộ Công an tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống” nhằm biểu dương những cách làm hay, hỗ trợ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Bộ Công an, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống” nhằm ghi nhận, tôn vinh, biểu dương, phản ánh đa dạng, sinh động về những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiêu biểu, những mô hình, cùng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc phản ánh về các chủ đề liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng của 35 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11), Bộ Công an cho biết, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều điển hình tiêu biểu của các tập thể, cá nhân trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội và chính bản thân những người chấp hành xong án phạt tù đã nỗ lực, cố gắng vượt qua những mặc cảm, tự ti vươn lên trong cuộc sống để tái hòa nhập cộng đồng thành công.
Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng đánh giá, Đồng Nai là một trong những địa phương tiêu biểu, có nhiều thành tích, kết quả nổi bật trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được mô hình “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự”. Quỹ đã huy động được sự ủng hộ của gần 750 doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền 25 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 1.300 người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn luân phiên, tạo bước chuyển biến đột phá về công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Chia sẻ tại chương trình, ông Vũ Văn Minh (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết, chấp hành xong án phạt tù 12 năm, ông trở về địa phương với đầy mặc cảm, tội lỗi. Thời gian đầu rất khó khăn với ông, nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng. May mắn ông được “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” của Công an tỉnh Đồng Nai hỗ trợ một số vốn để xây dựng kinh tế. Chăm chỉ làm ăn, lấy ngắn nuôi dài, từng ngày số vốn của ông tăng dần lên đến ngày hôm nay gia đình ông đã ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển.
“May mắn tôi nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời để có thể tái hòa nhập cộng đồng, nỗ lực xây dựng kinh tế để đến hôm nay có được cuộc sống ổn định. Tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời đó của Công an tỉnh Đồng Nai”, ông Vũ Văn Minh chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, Đồng Nai là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nhiều khu công nghiệp với hàng ngàn dự án đầu tư nước ngoài thu hút hơn 1 triệu lao động cư trú tại địa phương. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cũng đối mặt với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Hằng năm, tỉnh tiếp nhận và quản lý trên 1.000 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú. Hiện tại địa phương đang quản lý gần 9.000 người chưa được xóa án tích. Do đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống, ngăn ngừa, hạn chế tái phạm tội đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần kiểm soát tình hình tội phạm đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Võ Văn Phi, thông qua Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống” góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là dịp để làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, địa phương trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo của các tập thể, cá nhân và biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng./.