Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với thanh niên theo quy định của Luật Thanh niên 2020. Đây là vấn đề bà Lương Thị Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) nêu lên tại Hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên.
Hội nghị do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức trong hai ngày 24 - 25/11, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Trong khuôn khổ chương trình ngày làm việc thứ hai, hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo Sở Nội vụ và công chức phụ trách lĩnh vực thanh niên của 32 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và phía Nam đã được phổ biến, quán triệt Luật Thanh niên, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và nắm bắt tình hình công tác quản lý nhà nước về thanh niên hiện nay.
Ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên cho biết, tư tưởng mới của Luật Thanh niên 2020 là quy định chính sách của nhà nước; trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức; gia đình, cơ sở giáo dục đối với thanh niên. Quy định trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân trong việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập, lập thân, lập nghiệp; trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, đất nước. Luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, các tổ chức và chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức triển khai chính sách pháp luật đối với thanh niên.
Luật Thanh niên 2020 có 8 điểm mới so với Luật Thanh niên 2005, liên quan đến vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; quy định Tháng Thanh niên, đối thoại với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình; quản lý Nhà nước về thanh niên.
Luật không quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên như Luật Thanh niên 2005 mà quy định về vai trò và trách nhiệm của thanh niên. Trong đó xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Luật quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; Nhà nước và xã hội; gia đình và bản thân thanh niên để làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu.
Theo quy định của Luật Thanh niên 2020, tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên; tổ chức Đoàn được giao tổ chức Tháng Thanh niên. Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực tổ chức Tháng Thanh niên.
Đáng chú ý, quy định của Đảng về đối thoại đối với thanh niên đã được luật hóa, khi Luật Thanh niên 2020 quy định bắt buộc cấp hành chính (Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp) định kỳ đối thoại với thanh niên. Tổ chức, cá nhân tổ chức đối thoại với thanh niên khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm yếu thế phát triển và phát huy nhóm tích cực, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng thanh niên.
Liên quan đến quy định về đối thoại với thanh niên, bà Lương Thị Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên cho biết, còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc nội dung này. Theo dõi đôn đốc kiểm tra việc thực hiện đối thoại, về cơ bản đến nay cấp xã chưa tổ chức đối thoại với thanh niên, cấp huyện có nơi tổ chức, nhưng có nơi chưa tổ chức. Bà đề nghị các đại biểu sau Hội nghị về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối thoại với thanh niên.
Năm 2023 sắp đến, theo quy định phải tổ chức đối thoại với thanh niên vào tháng 3 hàng năm. Muốn tổ chức đối thoại, phải công khai kế hoạch đối thoại ít nhất trước 30 ngày. Muốn có kế hoạch, phải xây dựng nội dung, chủ đề, các nội hàm của kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt, nên phải chủ động chuẩn bị cho kế hoạch từ tháng 1, bà Lương Thị Hải Anh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hải Anh, chính sách với thanh niên là một lớp cắt ngang, liên quan tới nhiều bộ, ngành, lĩnh vực. Ở các địa phương, khi triển khai các chính sách pháp luật này, Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành trong việc triển khai các cơ chế, biện pháp để thực hiện các chính sách đã có đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Với những chính sách chưa có, tùy theo đặc thù của mỗi tỉnh để ban hành, đảm bảo cho thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi được tiếp cận và thụ hưởng, như chính sách về giáo dục, việc làm, trang bị kỹ năng sống, sức khỏe sinnh sản, sức khỏe tình dục, ý thức công dân trước khi trở thành một công dân, chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên cho biết, về cơ bản, các tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình và kế hoạch triển khai Chiến lược, trong đó có phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành để thực hiện. Tuy nhiên, theo phản ánh của Đắk Lắk, Hậu Giang, Hòa Bình tại phiên làm việc ngày 24/11 cho thấy, có một số khó khăn trong việc triển khai chỉ tiêu thống kê có liên quan đến phát triển thanh niên Việt Nam.
Chiến lược là một trong những cơ chế cụ thể hóa chính sách đã được quy định trong Luật Thanh niên 2020, trên cơ sở đó, đo lường hiệu quả của chính sách pháp luật đối với thanh niên. Chiến lược đưa ra các chỉ tiêu, mục tiêu để thanh niên phát triển một cách toàn diện nhất. Thông qua đó, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật quy định trong luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản thống nhất về bộ máy quản lý công tác thanh niên cấp tỉnh; đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các hệ thống chỉ tiêu tiêu chí thống kê về thanh niên để triển khai đồng bộ dọc từ trung ương đến địa phương…/.