Thực thi chính sách

Nhiều nội dung của Hiến pháp 2013 phù hợp thực tiễn khách quan và luật pháp quốc tế

TP. Hồ Chí Minh

Theo các chuyên gia, thực tế qua 10 năm thi hành đã cho thấy, nhiều nội dung của Hiến pháp 2013 phù hợp thực tiễn khách quan và luật pháp quốc tế.

Quang cảnh Hội thảo khoa học "Hiến pháp 2013 - mười năm triển khai thi hành". (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

TTXVN - Ngày 16/10, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Hiến pháp 2013 - Mười năm triển khai thi hành".

Tại Hội thảo, theo các chuyên gia, thực tế qua 10 năm thi hành đã cho thấy, nhiều nội dung của Hiến pháp 2013 phù hợp thực tiễn khách quan và luật pháp quốc tế.

Cụ thể, nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân là một trong những nội dung nổi bật nhất của Hiến pháp năm 2013. Nguyên tắc này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với vấn để nhân quyền mà còn phản ánh mức độ dân chủ và sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về quyền con người. Quy định này của Hiến pháp 2013 ghi nhận những yêu cầu đối với việc hạn chế quyền của cá nhân gồm: Việc hạn chế quyền phải được tiến hành theo quy định của luật, trong trường hợp thực sự cần thiết và mục đích của việc hạn chế quyền là nhằm bảo vệ các giá trị đặc biệt của đất nước, cộng đồng.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Mai Anh, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh), Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp đầu tiên chính thức hiến định nội dung này thành một nguyên tắc Hiến pháp. Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nguyên tắc này đã trở thành “sợi chỉ đỏ” chi phối đến tất cả chế định khác trong Hiến pháp và là căn cứ pháp lý quan trọng nhất cho việc thể chế hóa các nội dung về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong pháp luật chuyên ngành ở Việt Nam hiện nay. Nguyên tắc này đặt ra ranh giới để xác định tính hợp hiến của các biện pháp giới hạn quyền do các cơ quan Nhà nước áp dụng.

Thạc sỹ Nguyễn Mai Anh cho biết, một trong những điều kiện Hiến pháp 2013 đặt ra đối với việc hạn chế quyền con người, quyền công dân đó là việc hạn chế này phải nhằm bảo vệ các giá trị to lớn hơn bao gồm “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Các biện pháp này chỉ được áp dụng bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi cần bảo vệ những giá trị, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội hoặc sự tồn vong của đất nước.

Hiện nay, trong pháp luật quốc tế, trong số các lý do, để hạn chế quyền cơ bản, “bảo vệ trật tự công cộng” (public order) là một trong những căn cứ phố biến nhất. Vì vậy, giới hạn quyền với mục đích bảo đảm “trật tự công cộng” được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người. Điều 29 trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) thừa nhận, khả năng quyền của cá nhân có thể bị hạn chế nhằm mục đích “đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Như vậy, quy định về lý do hạn chế quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 có sự tương thích với pháp luật quốc tế và phù hợp với thực tiễn khách quan.

Việc chính thức ghi nhận nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 không chỉ khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người mà còn đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan Nhà nước khi hạn chế các quyền của cá nhân trong những trường hợp đặc biệt. Đây là một nguyên tắc hiến định, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sự xuất hiện của nguyên tắc này đánh dấu bước phát triển về kỹ thuật lập hiến của Việt Nam.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Thảo luận về việc thực hiện quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp 2013, theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 2013 đã lần đầu hiến định vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo đó, quyền lực Nhà nước, bên cạnh sự phân công, phối hợp, còn có sự kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Giáo sư Trần Ngọc Đường cho rằng, để quyền lực Nhà nước được kiểm soát hiệu quả, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, xem đó là mục tiêu trọng tâm khi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Quá trình hoàn thiện về cơ chế kiểm soát quyền lực không thể xem nhẹ vấn đề kiểm soát quyền lực của bất cứ nhánh nào nhưng kiểm soát cần có trọng tâm, đặc biệt chú trọng kiểm soát quyền hành pháp. Ví dụ, trong Quốc hội có Văn phòng Quốc hội là cơ quan ngang cấp bộ, thực hiện các công việc hành chính của Quốc hội; trong Tòa án nhân dân tối cao cũng có bộ phận văn phòng. Nhiệm vụ của các cơ quan này thuộc về hành pháp, phải được cơ quan thực hiện quyền hành pháp cao nhất là Chính phủ giám sát hoạt động chứ không thể chỉ giao cho cơ quan chủ quản giám sát như hiện nay.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, nhằm thực hiện hiệu quả quyền tư pháp trong Hiến pháp 2013, cần xác định nội dung thẩm quyền độc lập của Tòa án; đồng thời, mở rộng thẩm quyền xét xử các vi phạm hành chính cho Tòa án, thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thẩm quyền giải thích pháp luật thông qua xét xử... Bà Nguyễn Thị Thùy Dung đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp Quốc gia do luật định do một lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng; coi đây là nhân tố quan trọng để đổi mới quản trị nền tư pháp, bảo đảm tăng cường kiểm soát đối với việc thực hiện quyền tư pháp, đảm bảo độc lập tư pháp.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 18/9, Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp Quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; đồng thời, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng Tư pháp Quốc gia./.


Thành Chung

Xem thêm