Sắp xếp đơn vị hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh:* Bài 1: Nghiên cứu dựa trên đặc thù địa phương
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cần dựa trên đặc thù của địa phương, với sự đồng thuận trong nhân dân.
TTXVN - Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025. Dựa trên các tiêu chí về dân số và diện tích, Thành phố có nhiều quận và phường không đáp ứng đủ cả hai chỉ tiêu. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025 nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong giai đoạn phát triển toàn diện. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính vừa theo quy định vừa đảm bảo nhu cầu thực tiễn là thách thức với thành phố, khi nhiều địa phương có diện tích nhỏ nhưng dân số rất đông. Phóng viên TTXVN có hai bài viết về chủ đề này.
Bài 1: Nghiên cứu dựa trên đặc thù địa phương
Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên hơn 2.095 km, dân số trung bình tính đến năm 2020 hơn 9,2 triệu người, chưa tính số lượng khách vãng lai, tạm trú thời vụ. Thành phố có 22 đơn vị hành chính cấp huyện và 312 đơn vị hành chính cấp xã, đa phần có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn. Do vậy, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cần dựa trên đặc thù của địa phương, với sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.
* Kinh nghiệm từ thực tiễn
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Từ năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh rà soát và chủ động xây dựng Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ năm 2019 đến năm 2030, theo 3 giai đoạn: 2019 - 2021, 2022 - 2025 và 2026 - 2030. Giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố đã thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, 9, Thủ Đức; đồng thời sắp xếp 19 phường còn 9 phường.
Qua sắp xếp, Thành phố đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, giúp giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện (gồm 42 lãnh đạo, 109 công chức và 19 hợp đồng); cấp xã giảm 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách. Những người này được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định về tinh giản biên chế, đồng thời được hỗ trợ thêm theo chính sách của thành phố.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách thuộc đối tượng sắp xếp đều đồng thuận cao khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Hiện nay, các đơn vị hành chính được sắp xếp đã hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.
Trong Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 vừa ban hành, UBND Thành phố xác định mục đích là tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển toàn diện; tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội…
Trong năm 2023, trên cơ sở hợp phần phương án sắp xếp của các địa phương, Thành phố tiến hành việc xây dựng phương án tổng thể. UBND Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn địa phương, kể cả các đơn vị hành chính đã đảm bảo tiêu chuẩn, để giảm số lượng đơn vị hành chính; qua đó giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại phiên họp kinh tế - xã hội của UBND Thành phố cuối tháng 9/2023, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, chính quyền thành phố quan tâm, tuyên truyền vận động làm sao thực hiện tốt sắp xếp khu phố cũng như các quận huyện thật căn cơ, bài bản, vừa khẩn trương vừa chặt chẽ, đồng bộ và ảnh hưởng thấp nhất đến người dân.
“Thực tế gần đây, một số quận triển khai lấy ý kiến người dân về sắp xếp khu phố chỉ đưa cho người dân bản ghi nhận đồng ý hay không đồng ý nhưng thiếu tuyên truyền vận động, nêu rõ các tiêu chí để người dân có cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp. Do vậy, các địa phương cần thông tin tuyên truyền đầy đủ và để người dân có sự đồng thuận”, ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
* Tạo sự đồng thuận cao
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cuối tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, các địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng bị tác động; cần triển khai thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh), qua rà soát, Thành phố có 6 đơn vị hành chính cấp huyện (các Quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận) và 149 đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chí diện tích và dân số theo quy định. Trong 149 đơn vị hành chính cấp xã, 7 đơn vị đã được sắp xếp trong giai đoạn trước, còn lại 142 phường, xã thuộc diện phải sắp xếp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Nghị quyết số 35 quy định có 4 trường hợp đặc thù sẽ không phải sắp xếp. Hiện nay, Sở Nội vụ đang phối hợp với 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát từng đơn vị xem đơn vị hành chính cấp xã nào có trong tiêu chí đặc thù sẽ báo cáo cấp thẩm quyền để tạm thời không tiến hành sắp xếp các đơn vị đó.
Theo quy định, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong 4 yếu tố đặc thù không bắt buộc thực hiện sắp xếp như: Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối; địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định; vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa; đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030…
Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Cơ quan Đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần có cơ sở để sáp nhập (nếu có), trong đó phải tính toán xuất phát từ cơ sở nghiên cứu khoa học. Việc sáp nhập liên tục sẽ mất ổn định, kèm theo rất nhiều việc về sổ sách, trái với khoa học hành chính đó là sự ổn định hành chính. Thay đổi sẽ gây xáo trộn hành chính.
Thực tế cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thông qua góp ý của nhân dân, thông qua Mặt trận và Ban Dân vận, việc hoàn thiện kế hoạch sẽ tốt hơn, giúp nắm bắt tinh thần của người dân. Nên lắng nghe ý kiến của người dân địa phương, việc nào tốt nhất, căn cứ trên quy định của Quốc hội để phân bổ hợp lý, cơ cấu gọn nhẹ nhưng đồng thời phải phù hợp với hiện trạng, nhu cầu thực tế; tức là vẫn tuân thủ đúng quy định nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt./.
*Bài 2: Thách thức trong đảm bảo hai chỉ tiêu
- Từ khóa:
- Sắp xếp
- đơn vị hành chính
- đặc thù
- địa phương