Sắp xếp đơn vị hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh: *Bài 2: Cơ hội và thách thức trong tinh gọn bộ máy
Thành phố phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương nhưng phải phù hợp với thực tế địa phương.
TTXVN - Theo tiêu chí về dân số và diện tích, Thành phố Hồ Chí Minh có 6 quận và 149 đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chí diện tích và dân số. Do đó, việc thực hiện kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính đối với một đô thị đông dân, phát triển mạnh như Thành phố cần có lộ trình phù hợp và đảm bảo yêu cầu thực tế.
* Thách thức lớn
Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên khoảng 2.095 km, dân số trung bình tính đến năm 2020 là hơn 9,2 triệu người, chưa tính số lượng khách vãng lai, người dân tạm trú thời vụ. Địa phương có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện) và 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thành phố đa phần có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn. Thành phố chỉ có 4/22 đơn vị hành chính cấp huyện (đạt 18,18%) và 31/312 đơn vị hành chính cấp xã (đạt 9,94%) đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; 11/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 217/312 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.
Toàn Thành phố có 21/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 223/312 đơn vị hành chính cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về quy mô dân số; thậm chí có xã, phường đạt trên 2.000% như Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (gấp 20 lần) tiêu chuẩn về quy mô dân số.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đặc điểm này đặt ra nhiều khó khăn và phức tạp trong việc nghiên cứu, sắp xếp các đơn vị hành chính. Thành phố phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương nhưng phải phù hợp với thực tế địa phương nhằm hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhưng không gây xáo trộn lớn và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong vấn đề này, UBND Thành phố Hồ đã yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự tại các đơn vị hành chính, nhất là làm tốt công tác tư tưởng, xử lý tốt vấn đề dôi dư cán bộ, công chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã nhằm tạo ổn định tư tưởng, tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt để bố trí lại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân. UBND Thành phố tiếp tục tham mưu HĐND Thành phố ban hành các chính sách về hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố, ấp dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp khu phố, ấp.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố có thể điều tra tình hình cán bộ dôi dư khi sáp nhập (nếu có). Ví dụ như: Phó Chủ tịch UBND một quận, huyện nhưng có chuyên môn sâu có thể sắp xếp vị trí để phát huy năng lực đó. “Đây là cơ hội để nắm bắt chuyên môn mạnh của từng người như thế nào; qua đó, bố trí cho phù hợp để họ thấy, ở cương vị mới nếu làm tốt hơn sẽ có thu nhập cao, mức thưởng thỏa đáng”, ông Trần Quang Thắng chia sẻ.
* Tinh gọn bộ máy
Theo chuyên gia Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Cơ quan Đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc tách hay nhập đơn vị hành chính đều có lý do. Kinh nghiệm quốc tế như tại Pháp cho thấy, họ nghiên cứu rất kỹ địa lý và nhân văn, người dân trên vùng đất đó ít nhiều có những đặc thù riêng. Vì vậy, Thành phố cần nghiên cứu tính ổn định đặt lên hàng đầu; vấn đề về diện tích, dân số không phải là vấn đề quan trọng nhất. Địa phương nên tôn trọng tính ổn định của nền hành chính dựa trên cơ sở khoa học.
Thành phố Hồ Chí Minh có 6 đơn vị cấp huyện và 149 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp. Lãnh đạo Thành phố xác định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải gắn sát với việc lập quy hoạch Thành phố, rà soát quy hoạch chung và đặc biệt gắn sát việc triển khai Đề án xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, Thành phố tập trung lập phương án tổng thể, xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Thành phố, tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Theo ông Phan Văn Mãi, Thành phố sẽ gắn kết chặt chẽ giữa việc sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp với định hướng phát triển đô thị và thành lập các đơn vị hành chính đô thị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo thuận lợi cho việc thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương các cấp.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Thành phố xác định hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Năm 2025, Thành phố tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người dôi dư ở những đơn vị hành chính hình thành sau khi sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025; hoàn thành thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính; tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù hình thành sau sắp xếp…
Từ thực tế của thành phố Thủ Đức, Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi sắp xếp cần chú trọng đến quy hoạch, tạo không gian chuẩn cho Thành phố. Quy hoạch Thủ Đức chưa đầy đủ, nên khi thực hiện chưa được như mong muốn.“Điều người dân lo sợ nhất vẫn là vấn đề chậm chạp trong thủ tục như: hành chính, xây dựng… Không chỉ Thủ Đức mà các quận, huyện khác cũng có. Điều này cho thấy, cơ chế cải cách hành chính của mình chưa đạt”, Tiến sỹ Trần Quang Thắng chia sẻ.
Cùng góc nhìn này, theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Cơ quan Đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề công tác cán bộ, giải quyết thủ tục giấy tờ ở Thủ Đức sau sáp nhập gặp nhiều khó khăn. Do đó, địa phương phải vừa tinh gọn bộ máy, vừa đảm bảo công việc; chú trọng vấn đề nhân sự; cần cơ chế đặc biệt và tinh gọn bộ máy phải gắn với chọn lựa người tài, người phù hợp.
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh xác định tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cũng như tạo không gian phát triển hợp lý tại các địa phương và phục vụ người dân được tốt hơn nhằm tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, khi hệ thống chính trị (nhất là ở cơ sở) và người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp các đơn vị hành chính không phải là giảm bớt đơn vị hành chính, mà là tinh gọn bộ máy phù hợp để phục vụ nhân dân, xã hội tốt hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao trong thực hiện chủ trương này tại địa phương.
Thành phố quyết tâm thực hiện tốt việc rà soát, xử lý, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tại các địa phương thực hiện việc sắp xếp nhằm đảm bảo tốt hơn, thuận lợi hơn trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu cho người dân. Địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và không thu phí đối với người dân, tổ chức khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan khi thay đổi địa giới hành chính. Điều này góp phần ổn định và tạo sự đồng thuận từ nhân dân./. (Hết)
- Từ khóa:
- Sắp xếp
- đơn vị hành chính
- cơ hội
- thách thức
- tinh gọn
- bộ máy