Môi trường

Phát hiện nhiều loại thực vật mới trong hang động

Các nhà khoa học đã xây dựng thành công các trường dữ liệu cơ bản và dữ liệu phân tử cho 25 loài thực vật hang động đặc hữu hay các loài mới được phát hiện và mô tả ở Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Văn Trường (bìa trái) và cộng sự khảo sát thực địa hang động miền Bắc. 
Ảnh: nguồn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nhằm điều tra thu thập và xác định thành phần loài thực vật, đánh giá đặc điểm sinh học, sinh thái, hiện trạng bảo tồn và giá trị tiềm năng sử dụng của các loài thực vật hang động ở miền Bắc, Việt Nam, mới đây, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện thành công nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tính đa dạng thực vật hang động ở miền Bắc Việt Nam” thuộc Đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (mã số: UQĐTCB.06/22-23).

Trong quá trình điều tra tính đa dạng thực vật hang động ở miền Bắc, các nhà khoa học đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu hình thái, sinh thái cho 337 loài thực vật được ghi nhận trong các hang động với các trường dữ liệu cơ bản và xây dựng dữ liệu phân tử cho 25 loài thực vật hang động đặc hữu hay các loài mới được phát hiện và mô tả ở Việt Nam. Trong đó, nhóm Dương xỉ gồm 53 loài, thuộc 22 chi và 14 họ; nhóm Hạt kín đa dạng hơn với 284 loài, thuộc 120 chi của 49 họ. Các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả 3 loài thực vật mới cho khoa học thế giới (Bredia bullata, Microchiriata minor, Primulina crassifolia) và bổ sung 6 loài cho khu hệ thực vật Việt Nam (Aristolochia austroyunnanensis, Brandisia kwangsiensis, Euchresta tubulosa, Henckelia nanxiensis, Primulina jingxiensis, Spiradiclis baishaiensis).

Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học sự sống, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, trong quá trình nghiên cứu đa dạng thực vật vùng núi đá vôi, các nhà khoa học đã thu thập được 934 mẫu tiêu bản thực vật của 539 số hiệu mẫu vật ở 33 hang động thuộc địa bàn 8 tỉnh của miền Bắc, Việt Nam (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa). Việc đánh giá tính đa dạng thực vật hang động cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gene các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và khôi phục hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng chỉ ra 221 loài có giá trị sử dụng, được sử dụng làm cảnh, làm thuốc, lấy gỗ củi, lương thực, thực phẩm, đặc biệt 40 loài có nguồn gene quý hiếm.

Việc nghiên cứu sàng lọc và bảo tồn các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm của khu vực núi đá vôi và khu vực hang động có ý nghĩa trong việc sử dụng nguồn gene độc đáo làm cơ sở phục hồi cảnh quan hang động phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển du lịch. Do đó, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục điều tra bổ sung thành phần loài thực vật hang động ở khu vực núi đá vôi ở khu vực miền Trung Việt Nam./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm