Khoa học

Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số

Bạc Liêu

Bạc Liêu đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu, cung cấp 1.356 dịch vụ công trực tuyến; trong đó, tích hợp, cung cấp 1.241 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

TTXVN - Chiều 1/3, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Qua một năm thực hiện Đề án, Bạc Liêu đạt nhiều kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả này đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và là nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06/CP còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Công tác làm giàu, làm sạch dữ liệu theo chức năng của các sở, ban, ngành; nhiều dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp, nhưng chưa phát sinh hồ sơ. Công tác tuyên tuyền Đề án 06/CP chưa đạt hiệu quả cao....

Năm 2023 được Chính phủ chọn là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06/CP đạt mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ và đúng tiến độ đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện; xác định Đề án 06/CP không phải là nhiệm vụ của ngành Công an mà là nhiệm vụ chung, ngành nào, địa phương nào cũng phải triển khai, phải xây dựng, cập nhật, làm giàu dữ liệu; triển khai các dịch vụ công trực tuyến, số hóa, chuẩn hóa dữ liệu theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao để kết nối, bổ sung vào một trung tâm dữ liệu chung; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thúc đẩy cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời, xác định rõ "Không có khái niệm ủy quyền trong chuyển đổi số".

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Cơ quan Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP tỉnh nghiên cứu, đề xuất, có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho cấp cơ sở; tiến hành điều tra cơ bản theo đặc thù từng khu vực để áp dụng, triển khai Đề án 06/CP cho phù hợp.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp, nghiên cứu, rà soát, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chú trọng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu, cung cấp 1.356 dịch vụ công trực tuyến; trong đó, tích hợp, cung cấp 1.241 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Quá trình thực hiện luôn đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, kết nối thành công Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối dịch vụ thanh toán phí, lệ phí; Hệ thống giám sát, đo lường, tích hợp thành công chữ ký số Viettel-CA; chữ ký số từ xa VNPT SmartCA; liên thông hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện, đạt hơn 93%; thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện đạt hơn 21%.

Để khai thác có hiệu quả ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số, công an các xã, phường, thị trấn vận động, yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê lưu trú khai báo lưu trú qua dịch vụ công. Sở Tư pháp số hóa dữ liệu hộ tịch tư pháp đạt 100%. Sở Y tế tích hợp dữ liệu y tế với dữ liệu bảo hiểm y tế và dữ liệu mã định danh công dân đạt 94,72%. Bảo hiểm xã hội đồng bộ, xác thực thông tin người có bảo hiểm y tế đạt 77,08%. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tra cứu thành công thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gần 60.000 lượt người.

UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn Đề án 06/CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.

Dịp này, UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"./.

Tuấn Kiệt

Tin liên quan

Xem thêm