Khu vực đất bị lấn chiếm nằm trong ranh giới quản lý giữa xã Ia Ake và Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai. Vụ việc này đã diễn ra từ năm 2022 nhưng mới chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện nhiều nhà ở và chòi tạm vào cuối năm 2023.
TTXVN - Hơn 20 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số Jrai ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã phải di dời khỏi khu vực đất nông, lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai và xã Ia Ake quản lý, sau khi bị phát hiện xây dựng nhà ở trái phép. Vụ việc này đã diễn ra từ năm 2022 nhưng mới chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện nhiều nhà ở và chòi tạm vào cuối năm 2023. Nguyên nhân chính là do sự lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chức năng và địa phương, cùng với đời sống khó khăn, thiếu đất ở, thiếu hiểu biết và cả tin của người dân.
*Chưa được quản lý chặt chẽ
Qua tìm hiểu, khu vực đất bị lấn chiếm nằm trong ranh giới quản lý giữa xã Ia Ake và Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai. Điều này khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho người dân lấn chiếm làm nhà ở trong thời gian dài. Theo ông Bùi Văn Khiêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Ake, khu vực đất này đã được loại ra khỏi đất quy hoạch 3 loại rừng nhưng chưa bàn giao lại cho địa phương quản lý. Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai không quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, xã Ia Ake không kiểm soát được vì khu vực này nằm xa khu dân cư, cách trung tâm xã 6 - 7 km.
Về phía Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai, ông Phạm Đắc Vịnh, Phó trưởng Ban phụ trách khẳng định, do sự sai lệch trong kiểm kê trước đây chứ không phải đơn vị buông lỏng quản lý. Vừa qua, đơn vị đã phải kiểm tra, bóc tách diện tích 2.000 ha đất không thuộc quy hoạch 3 loại rừng và đang trong quá trình làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý. Ngoài ra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng nên cũng không thể quản lý và bao quát hết.
Theo ông Phạm Đắc Vịnh, người dân vào lấn chiếm đất làm nhà ở trái phép do đời sống khó khăn, thiếu đất ở, thiếu hiểu biết pháp luật và nhẹ dạ, cả tin nên bị một số đối tượng lợi dụng, lừa bán đất rẫy không có giấy tờ rõ ràng. Người dân nghĩ đơn giản rằng có thể làm nhà ở nên đã vào đất của đơn vị để xây dựng trái phép. Theo kiểm tra cho thấy, có 11 hộ làm nhà ở trái phép tại khoảnh 7, tiểu khu 1168A, hiện trạng đất nông nghiệp do Ban quản lý; 11 hộ còn lại nằm trên khu vực đất của xã Ia Ake.
Chị Ksor H’Pep (một hộ dân xây nhà ở vi phạm, trú tại thị trấn Phú Thiện) chia sẻ, trước đây, gia đình chị ở thị trấn nhưng do làm ăn thua lỗ nên kinh tế sa sút phải bán nhà để trả nợ. Sau đó, chị được một người quen giới thiệu mua 2 sào đất rẫy bằng giấy viết tay của một người đàn ông tên Thương với giá 36 triệu đồng, rồi vào đây làm nhà ở.
“Do cuộc sống gia đình khó khăn quá, nên tôi phải vào đây ở. Tôi và các con đều đi làm thuê, cuộc sống rất bấp bênh. Tôi biết làm nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp là sai, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Tôi rất mong chính quyền có chính sách hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh như tôi để ổn định cuộc sống”. chị H’Pep chia sẻ thêm.
Cùng hoàn cảnh, anh Rơ Châm Moa (trú tại thị trấn Phú Thiện) cho biết, gia đình anh cũng làm nhà ở đây và không có giấy tờ hợp pháp. Chính quyền và ngành chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, yêu cầu dỡ bỏ nhưng anh không biết dọn đi đâu. Anh biết sai nhưng vì quá khó khăn, kinh tế không có, nhà cũng không nên đành bám trụ ở đây được ngày nào hay ngày đó.
* Phối hợp xử lý dứt điểm
Sau khi phát hiện sự việc vào cuối năm 2023, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã gấp rút vào cuộc xử lý. Theo đó, chính quyền và các đơn vị đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ, chấp hành đúng quy định của pháp luật; đồng thời, hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, di dời trả lại trạng thái tự nhiên ban đầu đã được quy hoạch.
Ông Phạm Đắc Vịnh, Phó Ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai cho biết, ngay sau khi phát hiện người dân làm nhà ở trái phép trên diện tích đất nông, lâm nghiệp do đơn vị quản lý, Ban Quản lý đã cử lực lượng lập biên bản hiện trường ban đầu theo đúng quy định; đồng thời, báo cáo với Ủy ban nhân dân xã Ia Ake nắm bắt và có hướng phối hợp xử lý vụ việc.
“Đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân đều chấp hành tháo dỡ nhà cửa để di dời đến nơi ở mới. Trước mắt, chúng tôi cũng đã trích 1 phần kinh phí nhỏ và bố trí nhân công phối hợp với các lực lượng hỗ trợ người dân di dời”, ông Phạm Đắc Vịnh thông tin.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư A Thai kịp thời xử lý dứt điểm vụ việc; đồng thời, xem xét các giải pháp, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân ổn định cuộc sống sau di dời.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện cho rằng, hành vi lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp làm nhà trái phép của các hộ dân đã vi phạm quy định của Luật Đất đai, gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung của địa phương, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ xử lý kịp thời, dứt điểm vụ việc; đồng thời, xem xét các giải pháp, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân ổn định cuộc sống sau khi di dời.
Việc lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp, đất rừng làm nhà ở trái phép và canh tác không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hệ lụy cho môi trường và xã hội. Đây là vấn đề cấp bách, cần được giải quyết triệt để bằng những giải pháp hỗ trợ thiết thực kết hợp với tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng lấn chiếm đất nông, lâm nghiệp, đất rừng trong dân./.