Xã hội

Phú Thọ: Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân

Phú Thọ

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và cân đối bố trí nguồn lực thực hiện hằng năm.

Vợ chồng chị Phạm Thị Thêm ở xã Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ) dán tem truy xuất nguồn gốc lê sản phẩm bưởi trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Qua quá trình triển khai việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân

Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và cân đối bố trí nguồn lực thực hiện hằng năm.

Cuối năm 2021, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết 22 về quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tập trung ở 4 nhóm hỗ trợ gồm: hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa; hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với mục tiêu hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, OCOP của tỉnh, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tích tụ, tập trung đất sản xuất theo quy mô hàng hóa...

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh đã có 34 doanh nghiệp, 81 hợp tác xã, 65 tổ hợp tác, 4 trang trại và hơn 250 gia đình được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hơn 33 tỷ đồng.

Ông Đoàn Ngọc Sen, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi xã Văn Luông, huyện Tân Sơn chia sẻ, được chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền, các thành viên trong tổ hợp tác cũng nắm bắt được chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây bưởi trên địa bàn, nhanh chóng kiện toàn tổ hợp tác, xây dựng phương án sản xuất đảm bảo nội dung, yêu cầu, đúng quy định để nhận hỗ trợ phát triển cây bưởi kết hợp với việc tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm bưởi tại địa phương.

Là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc, Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, Phó Giám đốc hợp tác xã cho hay, hợp tác xã được phê duyệt dự án hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè tạo động lực cho hợp tác xã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng quy trình sản xuất an toàn, đầu tư máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ.

Hiện nay, trong diện tích 30 ha chè, hợp tác xã Cẩm Mỹ đã có hơn 15 ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 240 tấn chè búp tươi/năm. Giá bán chè hữu cơ trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với chè canh tác truyền thống. Đây cũng là một trong những “điểm tựa” để hợp tác xã tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng liên kết sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất an toàn, bền vững.

Là huyện miền núi, huyện Yên Lập xác định kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Lập cho biết, thực hiện Nghị quyết 22, trên địa bàn có 45 ha rừng gỗ lớn chuyển hóa, 235 ha rừng quế trồng mới được hỗ trợ với kinh phí trên 3,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2022, toàn huyện đã có 6 ha bưởi trồng mới, 90 ha bưởi quả được hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã; gần 20 ha bưởi tại xã Xuân Thủy, Hưng Long được hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, Nghị quyết 22 quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu phát triển, thực tiễn sản xuất và kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

Bên cạnh đó, Phú Thọ đã xác định quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác; chuyển từ tư duy chỉ đạo sản xuất nông nghiệp sang chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm...

Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất phát triển; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản. Toàn ngành xác định một số chỉ tiêu chủ yếu: giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng 3,2% so với năm 2022; có thêm 7 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến hết năm 2023 có 201 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng ba sao trở lên…

Trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đề nghị, các địa phương cần nghiên cứu tổ chức lại sản xuất đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đặt ra; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chú trọng công tác phòng chống thiên tai, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất./.

PV

Xem thêm