Xã hội

Sau COVID-19: Kinh tế Đà Nẵng phát triển vững vàng

Đà Nẵng

Sau COVID-19, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế thành phố từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc diễu hành chào người dân, du khách tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

TTXVN - Các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn dần phục hồi sau COVID-19 đã giúp cho đời sống người dân Đà Nẵng ổn định, nền kinh tế thành phố phát triển vững vàng hơn.

* Du lịch, dịch vụ khởi sắc

Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động du lịch tại thành phố Đà Nẵng đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Việc tổ chức trở lại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, cùng hàng loạt lễ hội lớn khác đã tạo nên không khí rộn ràng, sôi động cho thành phố. Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong 8 tháng qua, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 15.264 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 6.580 tỷ đồng, tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2022; lĩnh vực ăn uống đạt 8.684 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ, du lịch phát triển khởi sắc và giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ước chiếm hơn 69% GRDP thành phố.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, homestay A Lăng Như của gia đình anh Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã được khách đặt kín phòng. Nếu như trước đây, đồng bào Cơ Tu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc sống chủ yếu nhờ rừng, nuôi trồng lâm nghiệp, thì giờ đây đã được chính quyền hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, làm dịch vụ, du lịch. Là cơ sở lưu trú nhà sàn, mang đậm nét văn hóa đồng bào Cơ Tu, homestay A Lăng Như thường xuyên đón tiếp các đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, các hộ dân Cơ Tu đã liên kết thành lập các tổ dệt thổ cẩm, tổ điêu khắc gỗ, tổ ẩm thực… nhằm phục vụ, biểu diễn cho du khách.

Các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn nghệ thuật giao lưu với người dân, du khách tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Anh Đinh Văn Như vui mừng cho biết: Được sự định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đồng bào Cơ Tu tại xã Hòa Bắc đã phục dựng các nghề thủ công truyền thống, các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, du khách đến tham quan ngày một đông, giúp bà con có thêm thu nhập, kiếm sống được trên chính làng quê của mình.

Tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển thành phố Đà Nẵng cũng đông đúc, náo nhiệt với các đoàn du khách tới nghỉ dưỡng, khách đi tham gia lễ hội, khách du lịch hội nghị (MICE)... Ông Prabhakar S. Singh, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Furama Resort, cho biết: Đà Nẵng đang phát triển mạnh lĩnh vực du lịch hội nghị, sự kiện, nên những năm qua dịch vụ MICE chiếm đến 25% doanh thu hằng năm của khu nghỉ dưỡng Furama. Tháng 8 vừa qua, Furama được nhận danh hiệu Khách sạn Hội nghị tốt nhất Việt Nam 2023 do tổ chức Northstar Meetings Group đánh giá. Hiện tại, Furama tập trung phát triển thị trường MICE trong nước, xem đây là nền tảng quan trọng trong tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, với sự khôi phục của thị trường du lịch, các đường bay được kết nối lại, Furama cũng đang tích cực tiếp cận và quảng bá dịch vụ MICE đến các thị trường mới như: Ấn Độ, Australia, Singapore…

Sự phục hồi của ngành Du lịch kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực dịch vụ khác. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng Trần Văn Thắng, từ đầu năm 2023 đến nay, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố luôn đông khách. Nhiều cơ sở ẩm thực mới, chất lượng cao được đầu tư để phục vụ khách du lịch như các nhà hàng hải sản, quán ăn đặc sản xứ Quảng… Hơn 100 thành viên của Hiệp hội đang nỗ lực chuyên nghiệp hóa, cung cấp các sản phẩm mới để hình thành các tour du lịch ẩm thực mới mẻ, hấp dẫn hơn cho du khách.

Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc biểu diễn nghệ thuật giao lưu với người dân, du khách tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong thời gian tới, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng sẽ phối hợp với ngành Du lịch thành phố phân tích, đánh giá và tiêu chuẩn hóa các món ăn tinh hoa của Đà Nẵng. Thông qua ẩm thực, du khách sẽ hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố, phong tục tập quán của người dân địa phương. Hiệp hội cũng đề xuất thành phố Đà Nẵng xây dựng thêm nhiều tuyến phố chuyên doanh ẩm thực, phố đêm ẩm thực tại các quận ven biển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

* Tiếp tục nỗ lực phát triển bền vững

Ngay sau khi COVID-19 được kiểm soát, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế thành phố từng bước phục hồi và tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2021-2023, GRDP thành phố ước tăng 6,3%/năm. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ ước tăng 8,6%/năm; công nghiệp tăng 3,3%/năm; nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 1,9%/năm… Tuy nhiên, nền kinh tế thành phố phục hồi chưa đồng đều, chưa tạo được đột phá trong phát triển, quy mô nền kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong thời gian tới, các cấp chính quyền thành phố cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nhất là các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai chính sách, huy động nguồn lực tổ chức các sự kiện, lễ hội thu hút du khách như: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng; Liên hoan phim châu Á; các sự kiện MICE quốc tế, sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao...

Một góc khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số và các đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thúc đẩy việc hình thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2; xúc tiến đầu tư các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số. UBND thành phố sớm tổ chức công bố và triển khai Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị…

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách riêng, nhân văn như: Chương trình Thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, theo chuẩn mới; chủ trương miễn học phí đối với học sinh các bậc học... Đà Nẵng chú trọng công tác đầu tư, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn thành phố, nhất là triển khai có hiệu quả Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn./.

PV

Xem thêm