Năm 2023, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trên 413 tỷ đồng.
TTXVN -Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, năm 2023, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trên 413 tỷ đồng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp.
Các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp thực hiên tốt việc lồng ghép nguồn vốn ngân sách, các chương trình, dự án, chính sách hiện có và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả chính sách xã hội; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương đặc biệt khó khăn. Sóc Trăng tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các địa phương đã đầu từ giai đoạn trước, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế.
Ông Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện chương trình hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất chuyển nguồn vốn phân bổ cho Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất sang nguồn vốn sự nghiệp.
Riêng nguồn vốn đã phân bổ cho Dự án 1, kiến nghị xem xét chuyển nguồn bổ sung cho Dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương cũng kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với các xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được đầu tư 1 năm tiếp theo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các xã nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện một số công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo dân tộc thiểu số, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống.
Năm 2022, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng đã xây dựng 63 công trình (48 công trình giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình mạng lưới chợ); 4 công trình nước tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 435 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 487 hộ.../.
- Từ khóa:
- Sóc Trăng
- kinh tế - xã hội
- dân tộc thiểu số