Tái thiết đô thị Hà Nội từ hoạt động sáng tạo, cần chất xúc tác mới - Bài 4: Dư địa tiềm năng cho tái thiết đô thị
Những giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội là nền tảng quan trọng cho các dự án tái thiết đô thị, giúp bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống.
Những chặng đường ban đầu của hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo đã mở ra kỳ vọng về việc thúc đẩy mạnh hơn lĩnh vực này trong những giai đoạn tới, góp phần phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững. Hà Nội hiện đang có nhiều dư địa cho hoạt động tái thiết đô thị từ sáng tạo, cần các cơ quan quản lý, tổ chức, giới sáng tạo khai phá.
* Dư địa tiềm năng
Đô thị Hà Nội với lịch sử lâu đời, đan xen nhiều phong cách kiến trúc, đa dạng không gian và rất nhiều các loại hình công trình hạ tầng. Đặc biệt, khu phố cổ Hà Nội với những mái nhà nhuốm màu thời gian, những di tích cổ kính, khu phố cũ với những công trình, biệt thự mang kiến trúc Pháp khang trang... là nét đặc trưng của Thủ đô. Hà Nội còn được biết đến là một thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú với nhiều di sản văn hóa vật thể. Hàng nghìn di tích đã và đang cần được trùng tu, cải tạo. Những giá trị văn hóa này là nền tảng quan trọng cho các dự án tái thiết đô thị, giúp bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống.
Theo Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, điểm mạnh của Hà Nội là có văn hóa lịch sử lâu đời, một dữ liệu quan trọng để giới nghệ sĩ sáng tạo; nhất là hàng trăm di tích trong đô thị đang cần trùng tu, cải tạo lại thay vì đóng cửa thường xuyên. Những không gian công cộng cũng như không gian điểm tham quan cần phải đổi mới, sáng tạo dựa trên dòng chảy văn hóa lịch sử. Các dự án nghệ thuật công cộng hay dự án thúc đẩy phát huy giá trị di sản cần được tích hợp thêm nghệ thuật để trở thành không gian sáng tạo, kích thích hoạt động kinh tế, du lịch phát triển. Cùng với đó, hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội, được coi như nguồn tài nguyên lớn nếu thành phố tái thiết, chuyển đổi thành các không gian sáng tạo hoặc không gian công cộng.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thành phố còn một tiềm năng lớn nằm ở các không gian thiên nhiên như: Khu vực sông Hồng, gắn với nó là khu dân cư ven sông; hồ Tây, sông Tô Lịch, các làng nghề…
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, tái thiết đô thị không đơn giản là cải tạo trên các khu vực đã có sẵn mà người ta phải tác động vào đó nhiều khía cạnh, cả mối liên hệ với xung quanh như: hạ tầng, sinh kế, sinh hoạt cộng đồng của cư dân. Thời gian qua, Hà Nội thực hiện nhiều dự án mang tính chất tái thiết đô thị, mặc dù quy mô nhỏ nhưng đem lại bộ mặt mới cho khu vực đó, đồng thời cung cấp thêm không gian cho giới hoạt động sáng tạo, nghệ sĩ, kiến trúc sư.
Là người đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực thiết kế sáng tạo và góp sức cùng thành phố Hà Nội xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ngay từ ban đầu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, tiềm năng của Hà Nội trong lĩnh vực này xuất phát từ sự giàu có về di sản văn hóa, nguồn nhân lực sáng tạo và tinh thần đổi mới không ngừng. Thêm vào đó, dân số trẻ và năng động của Hà Nội là nguồn lực quý báu, giúp thành phố luôn đổi mới và sáng tạo. Các trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp sôi động cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển này. Nhiều sáng kiến khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng mới trong việc tái thiết và phát triển thành phố.
* Kinh nghiệm từ các thành phố trên thế giới
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều vấn đề đô thị do tốc độ đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu, các thành phố trên thế giới có thể tận dụng nguồn lực văn hóa và sáng tạo để tái thiết đô thị; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực này để phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với các vấn đề cấp thiết của đô thị. Bà Tipsukon Choungthong, đại diện cho thành phố Bangkok (Thái Lan) cho hay, Bangkok có nhiều hệ lụy trong phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, hạn chế không gian công cộng, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thành phố coi việc tái tạo đô thị thông qua hoạt động sáng tạo là giải pháp phát triển bền vững để chuyển mình tạo ra môi trường sống tốt hơn. Để thực hiện được điều đó, Bangkok thực hiện 5 giải pháp gồm: Đầu tư vào hạ tầng xanh, có những tuyến phố, vỉa hè xanh; phát triển hệ thống giao thông vận tải, trong đó tập trung vào vận tải thủy nội địa; phát triển thành phố bình đẳng, hòa nhập xã hội và có nhiều không gian công cộng; xây dựng thành phố có khả năng chống chịu ở bất kỳ thời điểm nào và đảm bảo quy tắc hòa nhập xã hội để công bằng; phối kết hợp với nhiều thành phố khác để tự mình phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ các nguồn lực riêng. Hiện nay, Bangkok khuyến khích tạo ra giá trị dựa trên các nguồn lực sẵn có, tạo ra các quận sáng tạo, không gian sáng tạo trong thành phố.
Theo bà Poppy Jarratt, Điều phối dự án sáng tạo, Thành phố sáng tạo thiết kế Dundee (Scotland, Vương quốc Anh) chia sẻ, Dundee được tạo dựng nên từ các di sản công nghiệp. Dundee được coi là cái nôi của nền công nghiệp trò chơi của Scotland. Nơi này cũng được xây dựng trên nền tảng lịch sử công nghiệp Dundee với nhà máy Timex Dundee. Trong quá trình phát triển thiết kế sáng tạo, thành phố đã triển khai dự án thay đổi diện mạo phố Union nhằm tái phát triển một trong những con phố trung tâm. Một studio đồng thiết kế được xây dựng trong một cửa hàng bỏ hoang - nơi người dân, doanh nghiệp và du khách có thể tham gia vào quá trình thiết kế. Cửa hàng là nền tảng cho đội thiết kế gồm các kiến trúc sư, nhà thiết kế không gian và chuyên gia đồng thiết kế. Trước khi công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế của UNESCO, Dundee vốn là thành phố luôn hướng đến thiết kế và sáng tạo. Tuy nhiên, nhờ danh hiệu này, thành phố có thêm động lực sáng tạo, trưởng thành và cam kết phát triển bền vững.
Tại các nước Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, nhiều cơ sở công nghiệp nặng và hạ tầng kiểu cũ như hầm mỏ, nhà máy luyện kim, kho tàng, bến bãi… tại các đô thị lớn đã đóng cửa. Tuy nhiên thay vì phá bỏ, người ta đã chuyển đổi nhà máy và các hạ tầng cũ sang những công trình có công năng khác nhau. Điển hình như: Công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức) từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng; Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản) từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử công nghiệp; căn cứ không quân Taiwan Contemporary Culture Lab (Đài Loan, Trung Quốc) được chuyển đổi thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật đương đại; xưởng đóng tàu cũ FRAC Nord-Pas de Calais (Pháp) được chuyển đổi thành phòng trưng bày nghệ thuật đương đại FRAC...
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội có nhiều cơ sở hạ tầng đô thị đang được cải tạo, trùng tu như: Cơ sở sản xuất, nhà kho, trường học, cây cầu, bệnh viện… Khi tái thiết cần nghiên cứu theo hướng thiết kế sáng tạo, vừa tạo diện mạo mới, vừa mở rộng công năng, tạo thêm lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Ngay cả công trình xây mới cũng có thể tái thiết kế những chức năng khác nhau. Đó cũng là hướng được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng nhằm tạo bản sắc riêng.
Tuy vậy, quá trình tái thiết đô thị từ hoạt động sáng tạo của Hà Nội cũng gặp không ít bất cập, đòi hỏi thành phố có cái nhìn rộng mở và tạo thêm chất xúc tác để thúc đẩy thiết kế sáng tạo phát triển. (Còn nữa)
Bài cuối: Giải pháp đồng bộ, tháo gỡ điểm nghẽn