Giáo dục

Tận tâm với học sinh khuyết tật, hòa nhập

TP. Hồ Chí Minh

Cô Võ Thị Tuyết và Ngô Thị Thúy Loan là 2 trong số 50 nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh trong Giải thưởng Võ Trường Toản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023.

Cô Võ Thị Tuyết,Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. (Ảnh: Thu Hoài /TTXVN)

TTXVN - Thầy, cô giáo là kỹ sư tâm hồn vừa kiến thiết nền tảng về tri thức, nhân cách cho học sinh, vừa là người truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện nhân cách cho học trò. Dù có nhiều khó khăn vất vả, nhưng với tình yêu với nghề, tình thương học sinh, nhiều thầy cô giáo đã trở thành tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người”. Những tấm gương ấy luôn được học sinh, phụ huynh và xã hội tin yêu, quý trọng.

*Hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập

Bản thân là một người khuyết tật khi không may chỉ còn một cánh tay, nhưng với tấm lòng yêu nghề, thương trẻ cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) đã giúp đỡ nhiều học sinh khuyết tật dần hòa nhập được với cuộc sống.

Khi đang là một giáo viên ở trường phổ thông, hơn 26 năm trước tình cờ biết đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cô Tuyết mong muốn góp sức mình để chăm sóc, hỗ trợ các em học sinh tại đây. Từ đó đến nay, hằng ngày cô đều đặn đi xe buýt từ nhà ở huyện Hóc Môn đến Trung tâm tại Quận 3, đến với những em học sinh đang cần hỗ trợ. Công việc của cô là hỗ trợ can thiệp sớm cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Những lớp can thiệp sớm, thường chỉ có 1 cô 1 trò và có sự tham gia của phụ huynh. Cô thường nhận những học sinh có mức độ nặng nhất về lớp của mình để giáo dục và trị liệu cho các em.

Cô Võ Thị Tuyết chia sẻ, ban đầu công việc khá khó khăn với cô bởi đó không phải là chuyên môn mà được đào tạo. Với sự hỗ trợ từ Trung tâm, đồng nghiệp và nỗ lực tìm tòi tự học, cũng như những trải nghiệm với mỗi học sinh, cô Tuyết dần xây dựng cho mình phương pháp tiếp cận tốt nhất. Cô có nhiều sáng tạo trong việc hướng dẫn các em hoạt động tại gia đình thông qua việc dạy kỹ năng sống, dạy nấu ăn và tự chăm sóc bản thân.

Đáp ứng yêu cầu công việc, cô nỗ lực vừa học vừa làm và có được văn bằng hai ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Cô chủ động học và hoàn thành nhiều khóa học, chứng chỉ về giáo dục trẻ gặp khó khăn trong học tập, chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tâm lý trị liệu hệ thống gia đình…

Từ thực tế công tác, cô Tuyết cho rằng, để dạy trẻ khuyết tật, ngoài chuyên môn, người giáo viên cần phải có lòng yêu nghề, sự nhẫn nại, bao dung và thấu cảm, giúp trẻ hòa nhập cuộc sống. “Tôi đã cố gắng rất nhiều để nghe được tiếng nói của trẻ dù các con không thể hiện bằng ngôn ngữ lời nói, mà qua hành động cơ thể. Việc giúp phụ huynh chấp nhận con mình bị khuyết tật, để thấu hiểu con, đồng hành với cô giáo cũng là điều rất quan trọng. Vì thế, ngoài hỗ trợ các em học sinh, tôi luôn dành thời gian để trò chuyện với phụ huynh, giúp họ hiểu hơn về con của mình, để yêu thương, đồng hành với con trong suốt chặng đường phía trước” - cô Võ Thị Tuyết bộc bạch.

Chỉ còn ít ngày nữa, cô Võ Thị Tuyết sẽ nghỉ hưu sau hành trình 30 năm gắn bó với nghề giáo và hơn 26 năm giáo dục trẻ khuyết tật. Đánh giá về những đóng góp của cô trong suốt quá trình công tác, ông Phan Hùng Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật cho biết, cô Võ Thị Tuyết đã đóng góp rất nhiều cho Trung tâm, nhất là chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ với nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong chăm sóc, hỗ trợ. Những nỗ lực của cô đã đóng góp trong việc thực hiện các nhiệm vụ của của đơn vị nói riêng, cống hiến cho giáo dục khuyết tật nói chung.

Học sinh chia sẻ niềm vui cùng cô Ngô Thị Thúy Loan (Trường Trung học cơ sở Phú Thọ, Quận 11) trong ngày nhận giải thường Võ Trường Toản năm 2023. (Ảnh: Thu Hoài/ TTXVN)

*Hết lòng vì học sinh

Cô Ngô Thị Thúy Loan, giáo viên Toán, Trường Trung học Cơ sở Phú Thọ (Quận 11) không chỉ là một giáo viên giỏi chuyên môn, tận tâm với học sinh mà còn với khả năng giúp nhiều học sinh đặc biệt trở nên tiến bộ hơn.

Cô Thúy Loan chia sẻ, hơn 30 năm theo nghề với bao thế hệ học sinh, điều khiến cô nhớ nhất là những học sinh học hòa nhập. Bởi dạy một học sinh bình thường đã vất vả, giúp trẻ học hòa nhập trở nên tiến bộ lại càng vất hơn. Giáo viên phải có sự thấu hiểu và phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi em. Từ hoàn cảnh riêng có sự đồng cảm, thấu hiểu và bao dung hơn đối với học sinh hòa nhập.

Cô Loan nhắc lại kỷ niệm về em X.T - một trong những học sinh diện hòa nhập mà cô đã từng dạy. Em có lực học bình thường, nhưng mỗi khi làm bài kiểm tra thường vẽ hoa khắp trang giấy - một trong những lỗi vi phạm trong quy chế thi. Ngoài hướng dẫn, chỉ bảo em học tập, cô phải nhiều lần giải thích cho em hiểu để không mắc lỗi khi làm bài kiểm tra. Sau đó, em đã vượt qua kỳ đánh giá với điểm 5 môn Toán. Kết quả bất ngờ đó cũng là niềm vui của cả cô và mẹ em.

Nhìn nhận những đóng góp của cô Ngô Thị Thúy Loan trong suốt quá trình công tác, cô Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú Thọ (quận 11) cho rằng, dù ở vai trò giáo viên bộ môn Toán hay giáo viên chủ nhiệm, cô Loan luôn thể hiện tinh thần tiên phong, trách nhiệm với công việc. Dù là một giáo viên khá lớn tuổi nhưng cô vẫn tích cực học hỏi, sáng tạo với nhiều sáng kiến trong dạy học. Khi học sinh tiếp thu bài chậm, cô kèm cặp chỉ bảo tận tình; cô luôn tạo không khí thân thiện, nhẹ nhàng trong lớp để những học sinh học hòa nhập có thể theo kịp. Với công tác chủ nhiệm, cô tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh để có phương pháp hỗ trợ, giáo dục phù hợp.

Cô Võ Thị Tuyết và Ngô Thị Thúy Loan là hai trong số 50 nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh trong Giải thưởng Võ Trường Toản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh các tiêu chí về chuyên môn, giải thưởng đề cao tính lan tỏa, ảnh hưởng của giáo viên đối với công tác dạy và học, cũng như với học sinh.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, sự tôn vinh thầy cô giáo còn thể hiện ở niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội dành cho những người làm công tác giáo dục. Niềm tin ấy đòi hỏi mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.

“Dẫu đâu đó ngoài kia còn vài câu chuyện làm nhói lòng những nhà giáo chân chính, nhưng không vì thế mà làm nhòe đi giá trị đạo đức của người thầy, bởi giá trị ấy đã được hình thành từ truyền thống tốt đẹp bao đời, từ những thầy giáo, cô giáo lặng lẽ vượt qua khó khăn miệt mài lao động, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ./.

Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm