Khoa học

Tạo ra các sản phẩm chủ lực, tiềm năng cho địa phương

Cần Thơ

Nhiều doanh nghiệp phát triển thương hiệu 30 - 40 năm, thâm nhập thị trường nhưng đến khi quan tâm đăng ký nhãn hiệu có đơn vị khác đã đăng ký thương hiệu đó, vì thế thương hiệu không được bảo hộ.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

TTXVN - Trong xu thế hội nhập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những mối quan tâm và quan trọng với doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng cho địa phương.

Thành phố Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm địa phương chủ yếu từ nông sản. Việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển sản phẩm địa phương được quan tâm hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Đến nay, thành phố Cần Thơ có 7.197 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và 5.077 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp mỗi năm tăng từ 10-15%, cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và cộng đồng đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho biết, Sở triển khai sâu rộng, tham mưu UBND thành phố thực hiện giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. UBND thành phố phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành Cần Thơ đến năm 2030. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Chương trình với nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

Tại Hội thảo Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực sau khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 27/9, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tham luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, dịch vụ chủ lực, cách khai thác, phát triển giá trị tài sản trí tuệ.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Nghi (Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ) cho rằng, tài sản trí tuệ là bộ phận cấu thành nên tài sản vô hình. Đại diện cho tài sản trí tuệ là nhãn hiệu, đại diện cho tài sản vô hình là thương hiệu. Vì thế, song song với việc phát triển thương hiệu cần bảo vệ nhãn hiệu bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ.

Nhiều doanh nghiệp phát triển thương hiệu 30 - 40 năm, thâm nhập thị trường nhưng đến khi quan tâm đăng ký nhãn hiệu có đơn vị khác đã đăng ký thương hiệu đó, vì thế thương hiệu không được bảo hộ. Khi mất đi quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp không còn giá trị tài sản vô hình trong tương lai, Tiến sỹ Quốc Nghi dẫn chứng.

Chia sẻ giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong thời đại số, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Nghi cho rằng, doanh nghiệp cần quản trị tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu; đảm bảo quy chuẩn, chất lượng sản phẩm; tạo điểm khác biệt cho sản phẩm (tên sản phẩm, logo...); cải tiến, đổi mới dịch vụ hỗ trợ; thiết kế bao bì sản phẩm đẹp, độc lạ. Nếu làm tốt các bước này, tài sản trí tuệ được khai thác đúng giá trị.

Khi xây dựng tài sản trí tuệ và tài sản vô hình, giá trị gia tăng sản phẩm tăng lên gấp nhiều lần giá trị hiện hữu và tăng khả năng cạnh tranh. Ví dụ, một ly cà phê không có nhãn mác, thương hiệu chỉ đáng 1 USD nhưng nếu gắn nhãn Starbucks, giá tăng lên gấp 4,65 lần.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển thương hiệu chính là dựa trên các giá trị cốt lỗi của sản phẩm, dịch vụ. Đối với đặc sản địa phương chính là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Đây là lời hứa, cam kết của nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng, giúp sản phẩm được ưu tiên lựa chọn và tin tưởng.

Theo ông Trần Giang Khuê, nhà sản xuất khai thác và phát triển sản phẩm được bảo hộ giúp bảo vệ, chống hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh; gia tăng giá trị cho sản phẩm; hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm; tăng doanh thu và xuất khẩu. Trong khi đó, người tiêu dùng được mua sản phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy và chất lượng; thông tin về xuất xứ và chất lượng của sản phẩm được bảo đảm (có thể truy ra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm); hưởng thụ yếu tố văn hóa gắn liền với sản phẩm.

Với 12 dòng sản phẩm Trà hòa tan được chế biến từ nông sản - thảo dược từ năm 2019, tất cả sản phẩm và ấn phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hygie & Panacee (gọi tắt là Công ty Hygie & Panacee), Thành phố Cần Thơ đều sử dụng logo, hình ảnh đã được đăng ký. Điều đó giúp khách hàng nhận biết rõ ràng và có niềm tin với nhãn hiệu hơn.

Theo bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee, trên tất cả sàn thương mại điện tử, sản phẩm của Công ty đều thuộc "Shop Mall" (gian hàng phân phối sản phẩm chính hãng, không có hàng nhái và đảm bảo chất lượng) nhờ sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký, điều này giúp khách hàng tin rằng đây là hàng chính hãng, tăng niềm tin mua hàng.

Công ty Hygie & Panacee đang trong quá trình xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, bà Hồng Thắm cho biết, thời gian tới sẽ đăng ký sở hữu trí tuệ tại nước ngoài (Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản...); đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm mới nghiên cứu trước khi ra thị trước; đẩy mạnh khai thác tài sản sở hữu trí tuệ./.

PV

Xem thêm