Trận mưa giông kèm lốc xảy ra vào chiều 15/4 gây thiệt hạigần 5,8 tỷ đồng, làm 6 người bị thương, 255 ngôi nhà bị tốc mái, nông nghiệp cũng bị thiệt hại.
TTXVN - Ngay trong ngày 16/4, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, mưa bão đã gây thiệt hại gần 5,8 tỷ đồng. Trong đó có 6 người bị thương, 255 ngôi nhà bị tốc mái, gần 600 ha lúa, ngô cùng 26 ha cây cà phê bị thiệt hại từ 30-70%. Ngoài ra, có hơn 45 ha lúa đang thời kỳ trổ bông và chín bị ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Mưa bão cũng đã làm gãy 1 trụ điện, 1 đèn chiếu sáng, 25m tường rào và 135m nhà xưởng bị đổ sập.
Huyện Phú Thiện là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa dông, lốc với 97 ngôi nhà ở 3 xã Ia Yeng, Ia Hiao và Chrôh Pơnan bị tốc mái, đổ sập; 25m tường rào của Ủy ban nhân dân xã Chrôh Pơnan; 135m tường rào nhà xưởng của hộ dân thôn Điểm 9 xã Ia Hiao đổ sập. Ngoài ra, còn có trên 45 ha lúa đang thời kỳ trổ bông và chín, 4,1 ha ngô bị đổ.
Ngay trong ngày 16/4, huyện Phú Thiện đã huy động các lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả do mưa dông, lốc, ổn định cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện Trịnh Văn Sang cho biết: Ngay sau khi có những thiệt hại ban đầu, huyện đã huy động các lực lượng như công an, dân quân tự vệ, các đơn vị quân đội… trên địa bàn huyện trực tiếp xuống các điểm bị thiệt hại cùng với người dân khắc phục hư hại. Đối với các nhà dân bị đổ sập, huyện đã bố trí chỗ ăn, nghỉ tạm cho bà con. Khi có thống kê các thiệt hại cụ thể, huyện sẽ căn cứ tình hình để hỗ trợ cụ thể cho người dân bị thiệt hại nặng.
Tại huyện Đức Cơ, công tác khắc phục cũng được chính quyền địa phương tích cực triển khai. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ, mưa dông kèm lốc xảy ra vào chiều 15/4/2023 đã làm 127 nhà ở, nhà xưởng, mái vòm và công trình phụ trợ tại xã Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Krêl, Ia Kla, Ia Kriêng, Ia Dơk, Ia Lang và thị trấn Chư Ty bị tốc mái. Ước tính thiệt hại hơn 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng chục héc-ta cây cao su, sầu riêng, điều và một số cây trồng khác bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ cho biết, huyện đang tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại. Trước mắt, vận động người dân chủ động khắc phục các thiệt hại ban đầu. Huyện vận động các xã bị ảnh hưởng chủ động hỗ trợ người dân với phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách chịu ảnh hưởng do mưa dông, lốc bố trí nơi ăn, ngủ an toàn...
Những cơn mưa dông, lốc đầu mùa mưa tại Gia Lai đã xuất hiện với mật độ nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, năm 2023, tần suất xuất hiện các trận dông, lốc kèm sét sẽ nhiều hơn năm 2022. Hơn nữa, các cơn mưa trái mùa cùng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét cũng sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân.
Người dân cần cập nhật những thông tin dự báo thời tiết hàng ngày của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là những bản tin cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm, bản tin cảnh báo dông, lốc, sấm sét…, từ đó có những phương án ứng phó kịp thời. Các địa phương cần rà soát, đánh giá thực trạng nhà dân, các công trình dân sinh, nhà công vụ, trường học… trên địa bàn để chủ động sửa chữa, chằng chéo kiên cố để tránh các thiệt hại khi xuất hiện mưa dông, lốc; tuyên truyền sâu rộng các bản tin thời tiết, cảnh báo những hiện tượng thời tiết bất lợi để người dân chủ động ứng phó với thiên tai./.