Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để chuẩn bị trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
TTXVN - Chiều 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để chuẩn bị trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Bà Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết, mua bán người là tội phạm xâm hại nghiêm trọng quyền con người; xâm hại danh dự, nhân phẩm, tự do của con người. Khi một người trở thành nạn nhân bị mua bán, Nhà nước có trách nhiệm can thiệp, bảo vệ và hỗ trợ. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với quy định hiện hành, do đó việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết.
Ông Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho rằng, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần đảm bảo bình đẳng giới, trong đó quan tâm thích đáng tới phụ nữ, trẻ em gái, lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác phòng, chống mua bán người; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
Theo Luật sư Phan Văn Vĩnh, công tác giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần phải kịp thời, chính xác; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật thông tin và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Bảo đảm nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp trong khuôn khổ của Pháp luật. Tùy từng trường hợp cụ thể, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thu lợi bất chính, có công phát hiện, tố giác, giúp các cơ quan chức năng giải quyết vụ án… có thể không bị xử phạt hành chính hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Bích Hiền đề nghị, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần bổ sung thêm đối tượng được thông tin, tuyên truyền, giáo dục là người dân tộc thiểu số tại khoản 5 Điều 7 dự thảo Luật. Vì hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số ở nước ta có cuộc sống còn khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không nắm hết được các thủ đoạn của tội phạm nên dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nhất là dễ bị dụ dỗ bán sang nước ngoài. Đồng thời, quy định rõ độ tuổi nạn nhân tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật để tương thích với Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 "Tội mua bán người dưới 16 tuổi" và Điều 1 của Luật Trẻ em.
Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiều quy định tại Luật phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện, gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng pháp luật. Thượng tá Nguyễn Văn Tâm kiến nghị việc sửa đổi Luật cần có sự đồng nhất về quan điểm và các tình tiết, hành vi giữa Luật Phòng, chống mua bán người và các bộ luật khác có liên quan.
Trung tá Nguyễn Minh Trí, Phó trưởng phòng Phòng, chống ma tuý và Tội phạm, Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới của tỉnh cho thấy, hành vi phạm tội của các đối tượng mua bán người thường xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Hiện nay Luật Chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đối với loại tội phạm mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, dẫn đến khó khăn trong quá trình hợp tác quốc tế, đấu tranh với tội phạm, đồng thời dễ dẫn đến xung đột về pháp luật với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật, cần nghiên cứu bao quát, toàn diện, có chế tài đủ để có thể đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm mua bán người trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu; cho biết sẽ chuyển tải những nội dung góp ý đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.
- Từ khóa:
- Tây Ninh
- đại biểu quốc hội
- Quốc hội