Thái Nguyên: Giải pháp quản lý các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Hội thảo khoa học chủ đề “Thực trạng công tác quản lý và phát triển các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn” đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh và chế biến chè.
TTXVN - Ngày 30/6, Hội thảo khoa học mang chủ đề “Thực trạng công tác quản lý và phát triển các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn” được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cùng một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến chè.
Đây là hoạt động quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với nội dung Giám định, tư vấn xã hội hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phát triển các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc quản lý và phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng việc quản lý và phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; làm rõ những tồn tại, bất cập, thiếu hợp lý trong hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển sản phẩm chè; đồng thời đưa ra các khuyến nghị về điều chỉnh, bổ sung để khắc phục những bất cập, tồn tại này.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên) nhận định, hạn chế trong thực hiện cơ chế, chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chè của Thái Nguyên là chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo cho sản phẩm do chỉ được trồng, sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống thiếu sự kiểm soát và định hướng, quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công, thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất, chế biến chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định.
Ông Thắng cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn gồm thiết lập đồng bộ, trình tự các biện pháp xử lý, kiểm soát hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ của mọi thành viên trong chuỗi với những quy định, quy chuẩn nghiêm ngặt. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ những tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chè trên địa bàn.
Khó khăn, thách thức trong phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên chia sẻ, đối với sản phẩm chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước, hiện vẫn còn nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, diện tích, sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về hữu cơ của Thái Nguyên còn thấp nên chưa thu hút được doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư công nghệ cao và chế biến sâu.
Đối với sản phẩm chè xuất khẩu ra nước ngoài, bà Ngà cho rằng, vấn đề quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng, trong khi quy mô sản xuất ở Thái Nguyên chủ yếu ở cấp nông hộ, do đó khó tạo ra sản lượng chè đủ lớn với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các tác nhân liên quan đến chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè chưa chặt chẽ, những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước đang tham gia bảo hộ chè Thái Nguyên rất nghiêm ngặt với nhiều tiêu chí phức tạp, trong khi tỷ lệ sản phẩm chè của Thái Nguyên đạt chất lượng hữu cơ hiện chưa nhiều.
Để giải quyết những khó khăn này, theo bà, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chè hữu cơ đồng bộ từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp để tăng nhanh diện tích chè hữu cơ gắn với chuyển đổi số trong quản lý, từ đó tạo vùng chè nguyên liệu chất lượng cao, có kiểm soát phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu. Ngoài ra cũng cần chú trọng việc mở rộng cấp mã số và quản lý tốt vùng trồng sau khi được cấp mã số; thực hiện triệt để giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè trên nền tảng số, tích hợp giá trị để minh bạch thông tin sản phẩm, tạo sự thuận lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề của chương trình. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tiếp thu và đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển các tài sản trí tuệ là sản phẩm chè trong thời gian tới.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 12 sản phẩm chè đã được đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, Nhãn hiệu tập thể “Chè thái Nguyên” đã được bảo hộ thành công tại 6 nước và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, diện tích chè trên địa bàn hiện có trên 22,2 nghìn ha, dẫn đầu cả nước, trong đó có 20,9 nghìn ha đang cho sản lượng với thu hoạch đạt trên 260 nghìn tấn chè búp tươi. Diện tích sản xuất chè an toàn đạt hơn 5,2 nghìn ha, trong đó có 127 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và đã có 65 ha được chứng nhận hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cấp mới và giám sát 31 mã số vùng trồng chè gồm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa./.