Xã hội

Tháng Hành động Vì trẻ em 2023: Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em

Ninh Thuận

Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ trẻ em, phòng ngừa các vụ việc trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, bạo lực...

Giờ học bơi của học sinh tiểu học Trường Liên cấp Hoa Sen (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ trẻ em, phòng ngừa các vụ việc trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, bạo lực; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần giúp trẻ em có cơ hội phát triển bình đẳng, toàn diện.

Ninh Thuận hiện có hơn 22.500 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo (chiếm khoảng 13% tổng số trẻ em toàn tỉnh). Đây là nhóm trẻ em chịu nhiều thiệt thòi, bị ảnh hưởng, tác động nhiều mặt của xã hội, ít được quan tâm chăm sóc, hạn chế về điều kiện phát triển và bồi dưỡng, giáo dục. Trong khi đó, môi trường sống của trẻ em hiện nay luôn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn thương tích.

Thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn thương tích, 5 vụ xâm hại tình dục, 2 vụ bạo lực học đường và 1 vụ bạo hành trẻ em, 13 em tử vong do đuối nước, 2 em tử vong do tai nạn giao thông,... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ nhưng phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để con trẻ tự do vui chơi. Đặc biệt, dịp nghỉ hè là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn trẻ thường ra biển, đồng, sông, suối...rất dễ xảy ra nguy cơ bị đuối nước.

Mặt khác, nhận thức của bản thân trẻ em, gia đình và xã hội về đuối nước vẫn còn hạn chế, chưa thấy hết được sự nguy hiểm của đuối nước đối với trẻ em. Nhiều gia đình thiếu quản lý để con em tự ý đi chơi, đi tắm ao, hồ, sông, suối - nơi nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm...

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em như tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em phải lao động sớm. Đồng thời, tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em.

Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục, Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ các cấp đẩy mạnh triển khai các chương trình, các lớp hướng dẫn kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước; tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở được học bơi, biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối cho trẻ và các bậc phụ huynh, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em.

Ngành Giáo dục đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè...

Địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm dễ xảy ra đuối nước tại khu vực sông Dinh (phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Các địa phương tăng cường phối hợp ban ngành, đoàn thể, ban bảo vệ trẻ em cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai; rà soát cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa như lắp rào chắn, cắm biển cấm. Địa phương bố trí ngân sách để thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em, phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, hỗ trợ kinh phí phù hợp đối với việc học bơi.

Các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em trong môi trường gia đình - nhà trường - xã hội; trong đó lấy gia đình làm gốc trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm phát triển các kỹ năng cho trẻ.

Với mục tiêu đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em phát triển, thời gian qua từ các nguồn vốn của Trung ương, vốn ODA, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội lồng ghép chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm với kinh phí thực hiện hàng tỷ đồng. Các dự án triển khai trên địa bàn các huyện, thành phố với nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trong trường hợp thiên tai khẩn cấp; xây dựng các mô hình cộng đồng, trường học an toàn cho trẻ em./.

Nguyễn Thành

Xem thêm