Giáo dục

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng năm học mới *Bài 2: Tạo động lực, thu hút đội ngũ giáo viên

TP. Hồ Chí Minh

Cùng với chính sách chung, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách riêng để giữ chân, thu hút người giỏi đến với nghề giáo.

Một tiết học của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng là yêu cầu quan trọng bởi đội ngũ chính là yếu tố quyết định về chất lượng giáo dục, nhất là bối cảnh đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với chính sách chung, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách riêng để giữ chân, thu hút người giỏi đến với nghề giáo.

* Gấp rút bổ sung giáo viên

Đáp ứng yêu cầu dạy học trong bối cảnh số lượng học sinh tăng nhiều qua các năm, năm học 2024 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh tuyển hơn 4.000 giáo viên ở các bậc học. Trong đó, bậc mầm non cần tuyển 691 giáo viên, tiểu học là 1.386 giáo viên, trung học cơ sở cần 1.588 giáo viên, trường trung học phổ thông tuyển 263 người và các trường chuyên biệt tuyển 85 giáo viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố chịu trách nhiệm tuyển giáo viên cho bậc trung học phổ thông và các đơn vị trực thuộc; các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức tuyển giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở. Đến nay, công tác tuyển dụng đang được các địa phương, đơn vị gấp rút hoàn thành để kịp thời bổ sung cho năm học mới.

Trong kỳ tuyển dụng giáo viên đợt 1 năm học 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tuyển 263 giáo viên và 74 nhân viên các trường cấp trung học phổ thông. Kết quả cho thấy, công tác tuyển dụng giáo viên năm nay khá thuận lợi, phần lớn các vị trí tuyển dụng có số lượng ứng viên đăng ký vượt chỉ tiêu. Trong đó, vị trí giáo viên Vật lý có số ứng viên đủ điều kiện dự tuyển lên đến 68 người trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ có 2 người; giáo viên Hóa học, nhu cầu tuyển dụng 6 nhưng có tới 117 ứng viên đủ điều kiện dự tuyển… Đặc biệt, ở những vị trí vốn khó tuyển như giáo viên các môn: Âm nhạc, Tin học, tiếng Anh năm nay lại có số ứng viên dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu tuyển dụng. Riêng vị trí giáo viên Mỹ thuật, số người đăng ký dự tuyển thấp hơn nhu cầu.

Thiếu giáo viên vẫn đang là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. 
Ảnh: PV/Vietnam+

Để các đơn vị chủ động trong công tác tuyển dụng giáo viên sát với nhu cầu thực tế, năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, trực thuộc Sở. Đến nay đã có 29 đơn vị được phân cấp tuyển dụng. Bên cạnh chính sách đặt hàng đào tạo với các trường đại học, để thu hút nhân lực giỏi, Sở đã triển khai hiệu quả chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Đến nay, Sở đã nhận được danh sách 356 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học trên địa bàn.

Tăng học sinh, tại hầu hết các quận, huyện đều có nhu cầu tuyển giáo viên cho năm học mới. Huyện Hóc Môn đã hoàn thành công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học 2024 - 2025, bổ sung thêm 385 viên chức ngành giáo dục. Trong đó, huyện tuyển 46 giáo viên và 7 nhân viên bậc mầm non; 101 giáo viên và 8 nhân viên bậc tiểu học; trung học cơ sở có 155 giáo viên và 15 nhân viên. Đáp ứng yêu cầu bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường từ mầm non đến trung học cơ sở, năm học này, Quận 8 tuyển thêm 114 giáo viên và 19 nhân viên. Thành phố Thủ Đức có nhu cầu tuyển dụng 812 viên chức ngành giáo dục, gồm 94 giáo viên mầm non, 287 giáo viên tiểu học, 341 giáo viên trung học cơ sở và nhân viên các bộ phận trường học. Quận Tân Bình cũng cần tuyển giáo viên với chỉ tiêu 264 viên chức trong đó có 200 giáo viên, 64 nhân viên…

* Thêm chính sách thu hút, giữ chân

Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) tổng vệ sinh chuẩn bị đón học sinh.
Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó trong tuyển giáo viên tiếng Anh và các môn học mới ở bậc tiểu học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu nguồn tuyển do chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở trường đại học có ngành sư phạm ít; thu nhập chưa tương xứng là hai nguyên nhân chính khiến việc tuyển mới cũng như giữ chân giáo viên ở các môn này khó.

Giai đoạn 2018 - 2023, Thành phố có nhu cầu tuyển 2.651 giáo viên ở các môn này nhưng chỉ tuyển được 1.667 người (đạt 63%). Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nhận định, không những khó tuyển giáo viên mới, giáo viên còn có xu hướng nghỉ việc, nhất là hai môn tiếng Anh và Tin học. Nguyên nhân là do thu nhập chưa tương xứng, trong khi khối lượng công việc lớn.

Cùng khó khăn chung, nhiều năm nay, quận Bình Tân luôn thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật bậc tiểu học. Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho rằng, chỉ tiêu đào tạo giáo viên các bộ môn này ở các trường sư phạm hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học ở các trường khác hiếm khi chọn theo nghề giáo. Dù những năm qua, Thành phố có nhiều chính sách đãi ngộ rất tốt cho giáo viên nhưng các em vẫn có nhiều lựa chọn khác với thu nhập tốt hơn.

Tương tự, tại Huyện Hóc Môn, dù có kế hoạch tuyển dụng hàng năm nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu giáo viên các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh do số ứng viên đăng ký ít. Để đáp ứng yêu cầu dạy học, hiện tại, các trường thực hiện phương án linh động trong sử dụng giáo viên như hợp đồng thỉnh giảng giáo viên biên chế ở các trường khác hoặc giáo viên nhiều môn sẽ kiêm nhiệm thêm một môn phù hợp.

Trước khó khăn kéo dài này, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất chính sách thu hút giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường tiểu học công lập. Theo đề xuất của Sở, giáo viên được tuyển dụng lần đầu ở các môn này sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng trong năm đầu công tác; trong hai năm tiếp theo được hỗ trợ 40 triệu đồng mỗi năm. Giáo viên đã công tác tại trường từ 3 năm trở lên và giáo viên mới sau khi kết thúc chính sách hỗ trợ 3 năm đầu sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi năm. Giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên sẽ không được hưởng chính sách này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, 3 năm đầu sau khi ra trường, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi vừa làm quen với công việc, lại gánh nặng kinh tế dễ chán nản dẫn đến bỏ việc. Vì thế, chính sách hỗ trợ này sẽ tạo động lực để họ gắn bó với nghề. Giải pháp hỗ trợ không chỉ cho giáo viên mới ra trường trong 3 năm đầu mà còn cho cả đội ngũ giáo viên có thâm niên sẽ giúp họ có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến lâu dài và ổn định trong ngành Giáo dục. Chính sách mới này được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu và khó tuyển giáo viên các bộ môn này.

Đây không phải lần đầu Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chính sách riêng cho giáo viên. Từ nhiều năm trước đó, Thành phố đã triển khai chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên bậc mầm non - một bậc học đặc thù. Cụ thể, giáo viên mới ra trường, giáo viên hợp đồng lao động dưới 12 tháng, nhân viên nuôi dưỡng… ở các trường mầm non công lập sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở ở năm đầu công tác, 70% và 50% ở hai năm tiếp theo. Chính sách này đã giúp nhiều giáo viên yên tâm công tác, tạo động lực thu hút và đảm bảo nguồn giáo viên mầm non cho Thành phố./. (Hết)

 

Lý Thu Hoài

Xem thêm