Giáo dục

Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương về nhà giáo

TP. Hồ Chí Minh

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất 5 chính sách trong xây dựng Luật Nhà giáo, được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, gồm các chính sách về: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

TTXVN - Ngày 19/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Nói về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định trong phát triển giáo dục. Nhà giáo là lực lượng đông đảo trong xã hội với các quan hệ mang tính đặc thù nghề nghiệp riêng, cần được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật phù hợp. Việc ban hành một đạo luật điều chỉnh về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo. Hơn nữa, với thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay, việc quản lý đội ngũ 1,6 triệu nhà giáo đòi hỏi đổi mới quản lý, trên cơ sở một khung pháp lý thống nhất; đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi những quy định riêng phù hợp. Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật. Việc ban hành một luật riêng về nhà giáo là phù hợp với xu hướng phát triển chung và kế thừa được kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và định hướng xây dựng Luật Nhà giáo, thể hiện quan điểm, sự quyết tâm của Chính phủ trong thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nhà giáo; tháo gỡ các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và kiến tạo các chính sách mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà giáo phát triển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất 5 chính sách trong xây dựng Luật Nhà giáo, được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, gồm các chính sách về: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Nhà giáo là các chính sách về tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo bao gồm các tiêu chí nghề nghiệp của nhà giáo, áp dụng cho từng chức danh nhà giáo ở mỗi cấp học và trình độ đào tạo để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Quy định này khắc phục tình trạng chồng chéo khi nhà giáo vừa có chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, vừa thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, nhưng nhà giáo ngoài công lập lại không có chế tài để quản lý và phát triển.

Đặc biệt, một nội dung mới và đáng chú ý là quy định về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Đây là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí, có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

Nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự. Nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác; việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục… Khi được cấp chứng chỉ nghề nghiệp, nhà giáo có thể tham gia giảng dạy ở nước ngoài theo chương trình trao đổi nhà giáo giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thực hiện hợp tác quốc tế về nhà giáo… Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.

Đặc biệt, định hướng trong xây dựng Luật Nhà giáo xác định, tiền lương của nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách của các nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập và tự chủ không ít hơn nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, thâm niên, chức danh trong các cơ sở công lập.

Dự kiến, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực là từ 1/1/2027./.


Thu Hoài

Xem thêm