Xã hội

Thị trường lao động phía Nam: Tăng cường kết nối, hỗ trợ lao động tìm việc làm

TP. Hồ Chí Minh

Tuy bước đầu đã có những dấu hiệu phục hồi, song tình hình lao động, việc làm tại một số địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tình hình lao động việc làm của Thành phố có dấu hiệu từng bước đang phục hồi. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

TTXVN - Thị trường lao động tại một số địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều biến động. Một số doanh nghiệp cắt giảm lao động với số lượng lớn. Song cũng có doanh nghiệp vẫn tuyển thêm lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh nhưng số lượng tuyển không nhiều. Trước thực tế này, các hoạt động thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu lao động đang được các đơn vị chức năng, địa phương tăng cường thực hiện, góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả.

* Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn nhiều thách thức

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Nửa đầu năm 2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 163.000 lao động (đạt gần 54,4% kế hoạch năm) và tạo ra 79.935 chỗ làm việc mới. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%. Kết quả này phần nào cho thấy, tình hình lao động, việc làm của Thành phố đã có dấu hiệu phục hồi.

Cùng ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm ghi nhận có trên 1.400 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 22.250 lao động. Một số doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) trên địa bàn tỉnh vẫn mở rộng, có phương án phát triển sản xuất, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Đơn cử, ngày 26/6, tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã khánh thành Nhà máy Cicor Việt Nam thứ 4 tại Bình Dương. Nhà máy này chuyên sản xuất và gia công sản xuất các sản phẩm, bán thành phẩm điện tử, cơ điện để xuất khẩu, các sản phẩm nhựa để xuất khẩu với vốn đầu tư 5 triệu Đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của Cicor tại Bình Dương lên 15 triệu Đô la Mỹ.

Tại tỉnh Đồng Nai, nơi đang có trên 30 khu công nghiệp đang hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 40 ngàn lượt lao động được giải quyết việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ kết nối hàng ngàn lao động thuộc trường hợp doanh nghiệp cắt giảm lao động đến tìm việc mới tại các công ty có nhu cầu tuyển dụng.

Tuy bước đầu đã có những dấu hiệu phục hồi, song tình hình lao động, việc làm tại một số địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó trong sản xuất kinh doanh, phải cắt giảm lao động. Một số công ty có nhu cầu tuyển mới lao động song không tuyển với số lượng lớn.

* Tăng cường kết nối cung - cầu

Trước thực tế trên, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác nâng cao chất lượng dạy nghề, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao tay nghề đối với nhóm lao động thất nghiệp. Thành phố tiếp tục triển khai đề án Chiến lược lao động, việc làm trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn năm 2030; xây dựng và triển khai các chương trình kế hoạch thu thập, cập nhật và quản lý di biến động lao động. Cùng với đó, Thành phố tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành phố, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, hỗ trợ người lao động tìm việc làm.

Sản xuất đồ điện gia dụng tại một nhà máy ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với Bình Dương, góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kết nối việc làm theo nhu cầu, nhất là với những lao động đang thất nghiệp. Đơn vị tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, kết hợp tuyên truyền để người lao động hiểu việc nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian họ tìm việc làm trở lại hoặc tiếp tục học nghề. Những lao động đang tạm thời chưa có việc làm trở lại cần tận dụng thời gian đi học nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng hoặc học nghề khác để sớm có việc làm trở lại.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, đổi mới cách thức tổ chức Sàn giao dịch việc làm phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, công nghệ số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và người lao động tìm việc làm, Trung tâm liên tục giới thiệu, cập nhật các vị trí việc làm ngay trong thời gian diễn ra Sàn để người tìm việc có thể lựa chọn vị trí công việc phù hợp và đăng ký ứng tuyển với doanh nghiệp ngay trên website https://vieclambinhduong.vn. Theo đó, một ứng viên có thể theo dõi, lựa chọn ứng tuyển nhiều vị trí của cùng một doanh nghiệp hoặc của nhiều doanh nghiệp khác nhau. Quản trị viên sẽ sắp xếp thời gian tạo cuộc phỏng vấn phù hợp nhất cho cả hai bên (nhà tuyển dụng và người lao động), tạo thuận lợi cho người lao động tiếp cận việc làm phù hợp./.

Thanh Trà

Xem thêm