Nguồn cung nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Ngày 22/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các cơ sở giáo dục đại học dần trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ. Trong đó, hợp tác doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, Việt Nam có 243 cơ sở giáo dục đại học với 2,2 triệu sinh viên, đáp ứng phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và thị trường lao động thì các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành công nghệ cao.
Tính đến 31/3/2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chiếm khoảng 26% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là khoảng 11%. Nguồn cung nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Bên cạnh các dự án FDI hiện đang hoạt động, có trên 3.000 dự án mới được cấp phép trong năm 2023 sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc sử dung lao động, nhất là những ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các doanh nghiệp FDI cần phải liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong tìm kiếm nguồn nhân lực, đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học để đào tạo, coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sự phát triển.
Thứ trưởng mong muốn, các tổ chức, cá nhân, đại diện các doanh nghiệp FDI, các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác; trao đổi, đề xuất, hiến kế tháo gỡ khó khăn, giúp giáo dục đại học Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng, hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Tại diễn đàn, bà Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày báo cáo về việc hợp tác đại học và doanh nghiệp trong chia sẻ tri thức, nghiên cứu - chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; ông Greg McMillan, chuyên gia tư vấn Giáo dục Đại học, Chương trình Aus4Skills đã nêu các kinh nghiệm tốt nhất về mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu và đào tạo tại Australia.
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học và đại diện một số trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực giữa doanh nghiệp FDI với cơ sở giáo dục đại học thời gian qua.
Nhân dịp này, 6 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp FDI đã được trao tại diễn đàn./.