Môi trường

Tìm giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Sóc Trăng

Nhiều kiến nghị cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Ảnh Tuấn Phi-TTXVN

TTXVN - Ngày 9/5, Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, các đại biểu cần phân tích, đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá vai trò của các bên liên quan, nhất là của chính quyền cấp cơ sở, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong thực thi chính sách bảo vệ môi trường. Các đại biểu tập trung đánh giá hiện trạng môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất và đời sống của nhân dân; đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp cơ sở đối với việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham luận nhiều ý kiến như: Thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại địa phương; lồng ghép chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án; đánh giá hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp; những thuận lợi và khó khăn trong triển khai thực hiện…

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng Phạm Ngọc Huệ, với chủ trương “phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường”, Sóc Trăng lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tỉnh đưa ra 4 phương án bảo vệ môi trường như: Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên hiệu quả; phòng chống, khắc phục hậu quả do môi trường gây ra; phòng, chống thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Ngọc Huệ cho rằng, việc lồng ghép chính sách bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư luôn được quan tâm, trong đó ưu tiên thu hút các dự án xử lý chất thải với công nghệ hiện đại, tận dụng tài nguyên năng lượng từ chất thải, khuyến khích các nhà đầu tư triển khai các sáng kiến về xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện quy trình thủ tục thẩm định chủ trương đầu tư, thủ tục môi trường, kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án công nghệ lạc hậu không phù hợp quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết, địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 14/6/2021 về kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Sổ tay hướng dẫn giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình, kế hoạch các ngành tỉnh Sóc Trăng. Năm 2023, tỉnh có chỉ số quản trị môi trường xếp hạng 3 cả nước; chỉ số thành phần “Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường” của Sóc Trăng đứng đầu cả nước với 1,2994 điểm.

Các ý kiến được nêu tại buổi tọa đàm đã chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường và các giải pháp thực hiện thời gian tới. Từ đó làm cơ sở để kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện các chính sách bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Tuấn Phi

Xem thêm