Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và quyền lợi của việc tham gia các loại hình bảo hiểm trên.
TTXVN - Ngày 5/8, tại hội nghị đánh giá kết quả phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh đề xuất nhiều giải pháp để phát triển người tham gia bảo hiểm nhằm đạt chỉ tiêu được giao. Từ nay đến cuối năm, tỉnh Trà Vinh phấn đấu phát triển thêm 4.079 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 4.810 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 127.642 người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và quyền lợi của việc tham gia các loại hình bảo hiểm trên.
Để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất gia công có sử dụng nhân công nhưng không ký hợp đồng lao động, yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất này thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lao động, giúp người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, kiên quyết yêu cầu các đơn vị này thực hiện đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Qua rà soát dữ liệu đăng ký kinh doanh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Trà Vinh hiện có 764 đơn vị đăng ký kinh doanh với 11.555 lao động chưa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.
Đối với việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tham gia; phát động cán bộ, đảng viên, hội viên tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, hàng xóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hiện nay, theo quy định, ngân sách nhà nước đang hỗ trợ mức đóng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn cho mỗi người tham gia, cụ thể hộ nghèo là 30%; hộ cận nghèo là 25%; các nhóm đối tượng còn lại là 10%.
Về việc phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, đối với nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng là học sinh, sinh viên, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 32.673 học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để mở rộng nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ được hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế (ngân sách Trung ương hỗ trợ 30% mức đóng, ngân sách địa phương hỗ trợ 20% mức đóng), nhưng số người dân thuộc nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh hiện rất thấp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trích nguồn kinh phí địa phương hoặc kiến nghị Trung ương hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng như người từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; hộ nghèo mới thoát nghèo.
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh Bùi Quang Huy cho biết, từ đầu năm đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có trên 6.680 người dân dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và trên 198.600 người dân dừng tham gia bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh hiện còn 16.412 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 789.944 người tham gia bảo hiểm y tế.
Việc người dân dừng tham gia bảo hiểm do nhiều nguyên nhân. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, nguyên nhân chủ yếu do theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 1/1/2022, chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng. Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với trước kia.
Đối với bảo hiểm y tế, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc công nhận các xã nông thôn mới, toàn tỉnh có 24 xã và 42 ấp với tổng số 314.372 người không còn được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, ảnh hưởng dịch COVID-19 thời gian qua khiến nhiều người bị mất việc làm, giảm thu nhập, đời sống khó khăn... Đây cũng là lý do nhiều người dừng tham gia bảo hiểm./.