Dự án hướng đến hoạt động chăm sóc trẻ em, hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ từ 15 - 16 tuổi, hỗ trợ gia đình các em, xây dựng mạng lưới các cơ sở hỗ trợ trẻ em… để hỗ trợ trẻ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống; đảm bảo không có trẻ bị bỏ lại phía sau.
Ngày 11/9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh tổ chức Hội nghị công bố và triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố”.
Dự án hướng đến hoạt động chăm sóc trẻ em, hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ từ 15 - 16 tuổi, hỗ trợ gia đình các em, xây dựng mạng lưới các cơ sở hỗ trợ trẻ em… thành mô hình khép kín để hỗ trợ trẻ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống; đảm bảo không có trẻ bị bỏ lại phía sau.
Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án triển khai trên toàn thành phố, ưu tiên hỗ trợ trẻ em lang thang, lao động kiếm sống trên đường phố. Dự án sẽ hỗ trợ các em học nghề, tìm việc và xây dựng cuộc sống ổn định trong thời hạn 4 năm (2024 - 20280) với kinh phí gần 12 tỷ đồng.
“Riêng trẻ em ở các trung tâm bảo trợ xã hội (cơ sở bảo trợ xã hội công lập), Dự án hỗ trợ thực hiện những nhu cầu cá nhân mà trung tâm không có nguồn lực thực hiện như: tìm nhà cho các em, đưa các em hồi gia, ổn định cuộc sống sau khi hồi gia… Đối với trẻ ở các cơ sở ngoài công lập, Dự án ưu tiên hỗ trợ trẻ em ở các lớp tình thương; nhóm trẻ em khó khăn trong cộng đồng, ban ngày mưu sinh kiếm sống, ban đêm đi học”, ông Phạm Đình Nghinh chia sẻ.
Các dịch vụ Dự án cung cấp là mô hình toàn diện từ tư vấn tâm lý cho đến trợ giúp pháp lý cho những trẻ những vấn đề liên quan đến pháp luật, làm giấy tờ tùy thân cho trẻ chưa có giấy tờ tùy thân… Đặc biệt, Dự án tổ chức hướng nghiệp, hỗ trợ trẻ em lao động đường phố học nghề (cả nơi ăn, nghỉ), giúp các em tìm kiếm việc làm, hỗ trợ trong quá trình đi làm cho đến khi ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao mô hình hỗ trợ của Dự án với nhiều hoạt động trợ giúp trẻ em; trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức hồi gia, hỗ trợ xét nghiệm ADN để làm giấy khai sinh cho trẻ không có giấy tờ…
Theo bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án sẽ cung cấp nhiều dịch vụ cho trẻ em; đồng thời tin rằng những hoạt động này sẽ được triển khai với sự tham gia tư vấn của các cơ sở bảo trợ trẻ em công lập và ngoài công lập; phù hợp với nhu cầu của trẻ em Thành phố. Qua đó, tạo điều kiện giúp các em và gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.../.
- Từ khóa:
- Trợ giúp
- nhóm trẻ em
- hoàn cảnh đặc biệt