Các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay cơ bản đều có đầy đủ các phòng chức năng theo quy chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm.
TTXVN - Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị y tế, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, từng bước chuẩn hóa hoạt động các Trạm Y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
Năm 2020, Trạm Y tế xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư xây dựng dãy nhà 2 tầng với 10 phòng chức năng thay cho khu nhà cấp 4 đã xuống cấp. Từ khi được xây dựng cơ sở khang trang các cán bộ của trạm làm việc thuận lợi, hiệu quả hơn, người dân đến khám, chữa bệnh cũng yên tâm hơn. Chị Trịnh Thị Loan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tú Thịnh cho biết. Mỗi ngày Trạm y tế xã có khoảng 10-15 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Ngoài ra Trạm còn thực hiện cấp, phát thuốc bảo hiểm y tế, cấp thuốc cho các bệnh nhân điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính thông thường. Từ khi Trạm được quan tâm đầu tư xây mới cán bộ, nhân viên của Trạm ai cũng phấn khởi, công việc thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Mai, thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương cho biết, bản thân bà bị bệnh huyết áp cao, hàng tháng phải đến Trạm y tế xã để khám và lấy thuốc điều trị. Trạm y tế xã mới được xây dựng lại rất khang trang, sạch đẹp, bệnh nhân rất yên tâm khi tới đây khám, chữa bệnh.
Ngoài Trạm Y tế xã Tú Thịnh , hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có 102/129 trạm y tế được đầu tư xây nhà 2 tầng kiên cố bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các Phòng khám Đa khoa khu vực đã được xây dựng khang trang.
Chị Nguyễn Thị Mỵ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn cho biết, do ở xa trung tâm huyện nên Trạm Y tế xã là địa điểm khám, chữa bệnh được người dân tìm đến mỗi khi ốm đau. Từ khi Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng nhà làm việc 2 tầng với đầy đủ các phòng chức năng và nhiều thiết bị y tế cần thiết, người dân địa phương được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở.
Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các trạm y tế các xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo đủ số phòng theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn; bổ sung trang thiết bị để thực hiện tốt gói dịch vụ y tế cơ bản; chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất cho công tác y tế dự phòng. Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 128 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và 9 Phòng khám Đa khoa khu vực, với tổng số 696 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 130 bác sĩ. 1.730/1.733 thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, chiếm 99,8%.
Ông La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đều có đầy đủ các phòng chức năng theo quy chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm. Đặc biệt, y tế tuyến xã đã đảm bảo vệ sinh và an toàn môi trường của trạm y tế, bao gồm: Nước sạch, nhà vệ sinh; thực hiện thu gom, phân loại rác thải y tế theo quy định. Ngoài ra, các trạm cũng đã có đủ dụng cụ và trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác khám, chữa bệnh và sơ cấp cứu theo danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt. Nhân sự sử dụng trang thiết bị y tế được tập huấn và nắm vững kiến thức, kỹ năng sử dụng.
Cũng theo ông Tái, các Trạm Y tế giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Sửa chữa, xây mới và nâng cấp các cơ sở y tế là cần thiết, nhằm đảm bảo các điều kiện để thực hiện hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Do đó, việc tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây mới các trạm y tế tuyến xã trong những năm qua được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2023 toàn tỉnh có 7 trạm y tế được đầu tư xây dựng mới. Dự kiến trong năm nay có 3 Trạm Y tế xây mới sẽ được đưa vào sử dụng. Nhờ được đầu tư nguồn lực cả về cơ sở vật chất và con người, cùng với y tế tuyến tỉnh và huyện, y tế tuyến xã ngày càng phát huy vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát tốt bệnh tật cho người dân./.