Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long mong muốn hợp tác với tỉnh Niigata trên 4 lĩnh vực trọng tâm.
TTXVN - Ngày 8/5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu tỉnh Niigata, Nhật Bản do ông Kanai Kenichi, Giám đốc Sở Lao động Công nghiệp tỉnh Niigata làm Trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023), quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Kế thừa và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, tỉnh Vĩnh Long mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản, đặc biệt là với Chính quyền tỉnh Niigata.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, tỉnh Niigata có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, là một trong những vựa lúa lớn, nơi sản xuất ra loại gạo nổi tiếng của Nhật Bản. Nền nông nghiệp trồng trọt của tỉnh cũng được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến với kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, Niigata cũng là một trong những địa phương có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thủy sản.
Trên cơ sở những nét tương đồng trong định hướng phát triển, những thế mạnh của mỗi địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long mong muốn hợp tác với tỉnh Niigata trên 4 lĩnh vực trọng tâm về: Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và kết hợp đưa người lao động được đào tạo sang làm việc có thời hạn tại tỉnh Niigata; xúc tiến đầu tư thương mại; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp; hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị cấp địa phương và tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân 2 tỉnh.
Ông Kanai Kenichi, Giám đốc Sở Lao động Công nghiệp tỉnh Niigata chia sẻ, tỉnh Niigata có giá trị sản xuất, diện tích trồng, sản lượng lúa gạo đứng đầu trong số 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 225,4 tỷ yên. Tỉnh cũng có một số ngành chế tạo dẫn đầu cả nước. Thông qua những tiềm năng, lợi thế của 2 tỉnh, Đoàn công tác sẽ nghiên cứu, khảo sát để hướng đến thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu với tỉnh Vĩnh Long ở nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và phát triển du lịch. Tỉnh có vùng nguyên liệu khoai lang lớn nhất cả nước với diện tích trồng hằng năm từ 10.000 - 12.000 ha, năng suất thu hoạch khoảng 235.000 tấn khoai lang các loại; diện tích trồng cây ăn trái lớn thứ 2 ở khu vực với các loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng như: bưởi năm roi, cam sành, xoài,… cho năng suất trên 1,1 triệu tấn. Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn sản xuất gần một triệu tấn lúa mỗi năm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp, 1 tuyến công nghiệp, 7 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động và đã được phê duyệt quy hoạch sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặt khác, với dân số hơn 1 triệu người, trong đó trên 65% trong độ tuổi lao động, tỉnh sẽ cung cấp kịp thời lực lượng lao động chuyên nghiệp, có tay nghề cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương.
Đặc biệt, Vĩnh Long có số công dân đi lao động tại thị trường Nhật Bản hơn 1.000 người/năm, chiếm khoảng 84% tổng số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh sẽ có 1.700 lao động đi làm việc tại các thị trường nước ngoài, trong đó phần lớn là thị trường Nhật Bản./.