Tình hình khai thác cát sông trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh, xử lý chưa đạt yêu cầu.
Tình hình khai thác cát sông trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý chưa đạt yêu cầu, nhất là công tác xử lý hình sự còn thấp, chủ yếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Những khó khăn trên được nêu ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long 9 tháng năm 2022, do Ban Chỉ đạo hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh tổ chức chiều 27/10.
Hội nghị nhằm thảo luận và triển khai các giải pháp để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản (cát sông) đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Tỉnh Vĩnh Long có 28 khu vực mỏ khai thác cát sông, được phân bố trên 3 tuyến sông gồm: Sông Tiền có 3 khu vực mỏ, sông Hậu có 8 khu vực mỏ và sông Cổ Chiên có 17 khu vực mỏ.
Hiện có 9 khu vực mỏ ngưng hoạt động do giấy phép hoạt động đã hết hạn và 2 khu vực mỏ không hoạt động được do phản ứng gay gắt của nhân dân xung quanh.
Theo Ban Chỉ đạo hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tình hình khai thác cát sông trái phép 9 tháng qua tuy có giảm nhưng từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra, nhất là trên tuyến sông Tiền, sông Cổ Chiên, giáp ranh thủy phận các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre...
Trong 9 tháng, các ngành chức năng, địa phương đã tiến hành kiểm tra, phát hiện xử lý hành chính 73 vụ vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển cát sông theo quy định pháp luật và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long 2 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép rất lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm, luôn tìm mọi cách để đối phó cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, các đối tượng hoạt động khai thác trái phép sử dụng phương tiện ghe, sà lan, các thiết bị bơm hút ban ngày tập kết gần khu vực khai thác, lợi dụng ban đêm tổ chức bơm hút cát trái phép; sử dụng xuồng cao tốc để tổ chức cảnh giới lực lượng chức năng, hoạt động nhanh chóng trên các tuyến sông.
Ngoài ra, các đối tượng khai thác cát có am hiểu pháp luật nên chỉ khai thác cát trái phép với định lượng dưới mức chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Phó trưởng Công an huyện Mang Thít Nguyễn Thanh Tuấn, đa số các phương tiện dùng để khai thác cát không phép là phương tiện tự đóng, hoán cải, mua bán qua nhiều chủ, không được đăng ký, đăng kiểm nên gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý.
Do là phương tiện cũ, giá trị không cao nên khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng bỏ lại phương tiện hoặc nhấn chìm. Ngoài ra, các đối tượng cầm đầu thường xuyên thay đổi người trực tiếp khai thác cát trái phép, cũng như không sử dụng các đối tượng đã bị xử lý vi phạm hành chính, mà thuê mướn nhiều người làm công từ những nơi khác đến để điều khiển phương tiện nếu có bị bắt, xử lý thì sẽ không bị tái phạm nhiều lần trong năm.
Mặt khác, công tác xử lý hình sự thời gian qua thấp còn do vướng mắc từ quy định pháp luật.
Cụ thể, Điều 227 Bộ luật Hình sự quy định tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” căn cứ vào mức độ thu lợi bất chính, trị giá khoáng sản để xác định hành vi phạm tội và mức độ vi phạm.
Theo đó, mức khởi điểm về giá trị tang vật là 500 triệu đồng, thu lợi bất chính 100 triệu đồng là đủ yếu tố, căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo giá thị trường hiện nay, giá cát xây dựng cao nhất khoảng 240 nghìn đồng/m3 và cát san lấp là 100 nghìn đồng/m3 , vì vậy để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải khai thác cát trái phép trên 2.000m3 cát xây dựng và 5.000m3 cát san lấp, với quy định như trên là quá cao so với tình hình thực tiễn hiện nay.
Do đó, cần sửa đổi tội danh này theo hướng giảm mức khởi điểm về giá trị tang vật và tiền thu lợi bất chính đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay, tăng tính răn đe, phòng ngừa chung.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thanh Mộng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, đấu tranh, phòng chống hoạt động khai thác cát sông trái phép, vận chuyển, mua bán cát sông không rõ nguồn gốc nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và nêu cao ý thức tố giác tội phạm của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhân dân cư trú ven các tuyến sông trọng điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát sông trái phép, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động khai thác cát, vận chuyển, tiêu thụ cát trái phép, nếu có đủ căn cứ thì tiến hành khởi tố.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, địa phương tổ chức rà soát, lên danh sách phương tiện thủy nội địa đã đăng ký, đăng kiểm tại các cơ quan có thẩm quyền; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, bị cải hoán, thay đổi kết cấu hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thống kê, rà soát các chủ phương tiện bơm hút cát trên địa bàn để tuyên truyền giáo dục, thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, về môi trường.
Ngoài ra, các ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác đấu tranh, phòng, chống hành vi khai thác cát trái phép, vận chuyển, buôn bán tài nguyên (cát sông) không rõ nguồn gốc giữa tỉnh giáp ranh để thực hiện có hiệu quả trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý./.
- Từ khóa:
- Khai thác cát trái phép