Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần được xây dựng, chuẩn hóa hệ thống kỹ thuật từ căn bản đến nâng cao
Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa võ thuật của 54 dân tộc, được hình thành, phát triển cùng quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta; là môn thể thao có truyền thống, giàu tiềm năng.
TTXVN - Trong khuôn khổ Giải vô địch các Câu lạc bộ Võ cổ truyền toàn quốc tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 27/8, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu), Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức Hội thảo bàn các giải pháp đẩy mạnh phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, các huấn luyện viên, đại võ sư, võ sư, huấn luyện viên, trọng tài của 40 đơn vị, tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết, Võ cổ truyền Việt Nam là tinh hoa võ thuật của 54 dân tộc, được hình thành, phát triển cùng quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta; là môn thể thao có truyền thống, giàu tiềm năng. Tuy nhiên, đến bây giờ, theo đánh giá chung của các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia, sự phát triển của Võ cổ truyền Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, Võ cổ truyền Việt Nam hiện vẫn chưa phát huy được sức mạnh tinh túy hợp thành từ các môn phái, võ phái nên chưa hấp dẫn, chưa nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao và xu thế hội nhập quốc tế về văn hóa, thể thao trong giai đoạn hiện nay.
Để Võ cổ truyền Việt Nam có sức hút mạnh mẽ hơn, ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần được xây dựng, chuẩn hóa về hệ thống kỹ thuật chung từ căn bản đến nâng cao, đảm bảo tính thống nhất, bài bản, khoa học, phát huy được thế mạnh, đòn, thế đặc sắc nhất, tinh túy nhất của các môn phái, võ phái nhằm tạo nên sự hấp dẫn, hùng mạnh, sánh vai cùng với bất cứ môn võ thuật nào của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, bên cạnh 18 bài quyền, bài binh khí đã được thống nhất tuyển chọn, trong tương lai chúng ta tiếp tục lựa chọn, từng bước bổ sung vào trong chương trình quy định các bài quyền, bài binh khí của các môn phái nhằm tạo nên diện mạo mới, sức sống mới phong phú, giàu bản sắc và củng cố niềm tin, niềm tự hào của Võ thuật cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh việc xây dựng, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hệ thống kỹ thuật, bài tập, Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần hoàn thiện quy chế quản lý chuyên môn; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng thi nâng đai, đổi đai, phong đẳng cấp; xây dựng, nâng cao chất lượng giải thi đấu.
Hiện nay, Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được quảng bá, giới thiệu tại 70 nước trên thế giới nhưng vẫn chưa có sự thống nhất, chưa phát huy được tiềm năng như các môn Taekwondo, Karatedo… mà các nước đã làm. Thời gian tới, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hỗ trợ Liên đoàn Thế giới Võ thuật cổ truyền Việt Nam củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động để Võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ra quốc tế. Đặc biệt, hỗ trợ thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khu vực Đông Nam Á để quảng bá, phát triển phong trào võ cổ truyền ở các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng thời tạo cơ hội đưa môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam vào hệ thống thi đấu của các Đại hội thể thao lớn như SEA Games, Asian Games. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, sự tạo điều kiện của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, mong rằng đến SEA Games 2029, môn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ được đưa vào thi đấu chính thức tại Giải.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 5 vấn đề: hệ thống thi đấu giải quốc gia; luật thi đấu; quy chế quản lý chuyên môn; hệ thống quản lý số; hệ thống các bài căn bản công pháp.
Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết, Võ thuật cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam nên có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế thể thao gắn với việc tổ chức tập luyện, thi đấu, biểu diễn, giao lưu. Do vậy, cần nghiên cứu, thúc đẩy hoạt động chuyên môn gắn với các hoạt động du lịch, quảng bá, truyền thông nhằm góp phần nâng cao đời sống và nuôi dưỡng tinh thần đam mê, lòng nhiệt huyết của các võ sư, võ sĩ, huấn luyện viên.
Các đại biểu cũng bàn luận về việc tách nội dung quyền thuật và thi đấu đối kháng thành 2 giải riêng trong hệ thống thi đấu giải quốc gia; xem xét tính khả thi của việc đưa võ nhạc võ cổ truyền trở thành một nội dung thi đấu của quyền thuật; hướng đến đưa môn võ cổ truyền vào chương trình thi đấu của các kỳ SEA Games…
Huấn luyện viên Lê Công Bút, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định cho biết, để Võ thuật cổ truyền Việt Nam đi theo hướng chuyên nghiệp thì phải xây dựng được hệ thống thi đấu chuyên nghiệp, bài bản; cần có những bước đi vững chắc để quảng bá, kiện toàn hệ thống, bộ máy và những quy tắc chuẩn mực của Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Trong 5 nội dung được đưa ra thảo luận, các đại biểu dành sự quan tâm đến những thay đổi mang tính cấp thiết trong việc xây dựng hệ thống thi đấu các giải quốc gia và điều lệ thi đấu các hạng đấu nhằm giúp Võ cổ truyền có nhiều sân chơi hấp dẫn, lối cuốn hơn và thu hút nhiều người tham gia hơn.
Theo ông Trương Văn Nguyên Vũ, Trọng tài Đoàn Quảng Nam, ngoài hệ thống các giải thi đấu đã được tổ chức như Giải trẻ và Thiếu niên Võ cổ truyền quốc gia, Giải vô địch các Câu lạc bộ quốc gia, Giải vô địch Võ cổ truyền quốc gia cần thêm giải đấu chuyên nghiệp (đối kháng) và giải học sinh, sinh viên. Ngoài ra, cần điều chỉnh một số quy định trong Luật thi đấu võ thuật cổ truyền Việt Nam 2021; hệ thống quy chế chuyên môn và hệ thống các cấp đai; hệ thống kỹ thuật các bài căn bản...
Các đại biểu cho rằng, Võ cổ truyền Việt Nam là những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù, các đòn đánh…Việc đẩy mạnh phát triển võ cổ truyền Việt Nam chính là bảo tồn và phát huy tinh hoa võ thuật của dân tộc./.
- Từ khóa:
- Võ thuật cổ truyền
- chuẩn hóa
- nâng cao