Xã hội

Xây dựng chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh

Xây dựng đề án phát triển chiến lược, lao động việc làm với các giải pháp đi kèm chương trình hành động sẽ góp phần thúc đẩy thị trường lao động toàn diện, cải thiện phúc lợi của người lao động.

Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Ngày 6/9, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố tổ chức Hội thảo “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ngành chức năng Thành phố trao đổi, thảo luận nhằm xây dựng chiến lược đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động gắn với những yêu cầu liên quan đến hội nhập như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ sau COVID-19 và các chiến lược lao động - việc làm gắn với bảo vệ người lao động, nhất là người lao động ở khu vực phi chính quy, thiếu kỹ năng đàm phán, tìm việc, thích ứng sinh kế kém, nhiều rủi ro...

Theo Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động, việc làm tại Thành phố đang có những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển chung của Thành phố. Nguyên nhân là do tác động từ các khuynh hướng kinh tế toàn cầu hóa thông qua các định chế thương mại tự do; sự trỗi dậy của nền kinh tế số; tác động tiêu cực sau COVID-19 và những diễn biến phức tạp của xung đột quân sự trên thế giới.

Do vậy, việc xây dựng đề án phát triển chiến lược, lao động việc làm với các giải pháp đi kèm chương trình hành động sẽ góp phần thúc đẩy thị trường lao động toàn diện, cải thiện phúc lợi của người lao động; các chính sách phúc lợi xã hội và bảo trợ xã hội với mục tiêu tốt hơn sẽ giảm thiểu những tổn thương cho người lao động, đặc biệt là những người yếu thế như: lao động nữ, lao động đến từ các tỉnh thành khác. “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng kinh tế mà còn liên quan mật thiết đến vấn đề an sinh xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030”, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh.

Thạc sỹ Lê Văn Thành, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để giải quyết được các vấn đề về lao động, việc làm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố thời gian tới, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ cho rằng bên cạnh những phân tích đánh giá mang tính khoa học về tình hình lao động, việc làm hiện nay, cần nhận diện được các nhân tố tác động đến cung và cầu về lao động, dự báo được những thay đổi trong thị trường lao động, để xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn về lao động và việc làm. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hoạch định chính sách đào tạo lao động có kỹ năng tại Thành phố, nhất là đào tạo nghề giữ vai trò quan trọng trong giải quyết khoảng cách kỹ năng trên thị trường lao động và cải thiện khả năng có việc làm của người lao động.

Nhận định đặc điểm, tình hình lao động việc làm trên địa bàn Thành phố trong những năm gần đây, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố cũng đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế sau đào tạo cho thị trường lao động Thành phố, cả nước và cạnh tranh hiệu quả với lực lượng lao động dịch chuyển tự do trong khối ASEAN.

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng chất lượng cao; đào tạo đặc thù phù hợp với chiến lược phát triển thị trường lao động Việt Nam. “Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp ngay trong từng mô đun, môn học; tự chủ tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá, cấp bằng, chứng chỉ và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Đồng thời, xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo nghề đặc thù đạt chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế ở các trình độ; chú trọng việc cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới cho các nghề truyền thống, nghề có thu nhập cao, thu hút nhiều lao động”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo ông Trần Tuấn Anh, công nghệ 4.0 đã thay đổi cả chiều sâu, rộng của nghề nghiệp, tạo ra sự bất ổn lớn, thậm chí là bất định trong nghề nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cũng cần có những cải tiến mới để duy trì ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Thành phố cần nâng cao hiệu quả thông tin thị trường lao động để vừa phản ánh đặc điểm thị trường lao động Việt Nam, vừa thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cùng quan điểm, Thạc sỹ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt ra các vấn đề liên quan đến xây dựng chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới. Trong đó, ông Lê Văn Thành nhấn mạnh việc xác định tiêu chí đánh giá một ngành thừa hay thiếu lao động? Vai trò lao động khu vực phi chính thức trong định hướng chiến lược lao động việc làm? Thu nhập với việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành và theo thành phần kinh tế, khu vực tư nhân? Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn ở Thành phố thể hiện ở những lĩnh vực nào? Đào tạo nguồn nhân lực gắn với định hướng và đơn đặt hàng hay chủ động theo ngành nghề trong các trường đào tạo…? Đồng thời, theo ông Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp; trong đó có nhiều quyết sách quan trọng như: Bố trí ngân sách đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; chính sách mở rộng khả năng vay vốn góp phần giải quyết nguồn lực cho lao động việc làm...

Đánh giá cao các ý kiến góp ý cho đề án “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố cho rằng, đề án cần được xem xét, phân tích bối cảnh, nhận diện hiện trạng, các yếu tố tác động đến thị trường lao động Thành phố; xác định những ngành, lĩnh vực hiện nay đang thừa, thiếu lao động về số lượng và chất lượng. Đồng thời, đề án cần dự báo về cung - cầu lao động đến năm 2030 để kịp thời có giải pháp, cơ chế chính sách đào tạo, thu hút mọi nguồn lực xã hội; thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khách quan.

Ông Lê Văn Thinh cũng đề xuất việc xây dựng chiến lược cần cụ thể hóa từ thực tiễn và trên cơ sở các nghị quyết, quyết định, văn bản của Trung ương, Thành phố; các nội dung tại chiến lược lao động và việc làm cần gắn kết với vai trò, vị trí của Thành phố đặt trong tổng thể chung của khu vực và cả nước. Đề án cần nhận diện được các nhân tố tác động đến cung - cầu về lao động, dự báo được những thay đổi trong thị trường lao động, để từ đó xây dựng được chiến lược ngắn hạn và dài hạn về lao động và việc làm, góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xoay quanh vấn đề lao động việc làm trên địa bàn Thành phố gắn với Nghị quyết 24-NQ/TW về Đông Nam Bộ; xu hướng di dân và vấn đề lao động, việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh (2018 – 2022); tình hình lao động tại Thành phố hiện nay so với giai đoạn trước COVID-19; cơ chế, chính sách phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố. Các đại biểu cũng thông tin, chia sẻ về những ảnh hưởng của lao động nhập cư đến sự phát triển thị trường lao động Thành phố; việc làm xanh; tác động của xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ đến cung cầu lao động và việc làm…/.

Thanh Vũ

Xem thêm