Tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng
Ngày 28/10, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức Hội thảo khoa học Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định, đây là dịp để tỉnh học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, ban hành đồng bộ và cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đặc biệt là những giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, do đó đã chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ toàn ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ "Trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông, chuyên nghiệp".
Các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng thống nhất, cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng là một bộ phận cấu thành đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, là người trực tiếp tham mưu cho cấp ủy những chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng. Vì vậy, cấp ủy các cấp phải xác định công tác xây dựng cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Cán bộ làm về xây dựng Đảng phải có tầm hiểu biết rộng, công tâm, có năng lực tham mưu; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Người làm tổ chức phải có đôi mắt tinh tường, có tâm, tầm và phải là người có uy tín.
Hội thảo dành phần lớn thời gian để các đại biểu tập trung phân tích những mặt được, tồn tại, hạn chế của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng như: chất lượng không đều, còn bất cập so với yêu cầu; ý thức trách nhiệm một số cán bộ chưa cao, chưa chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, thiếu chủ động trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất; một số cán bộ lớn tuổi có biểu hiện ngại đổi mới; có cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của từng địa phương và đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong tình hình mới như: tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy về chức năng, nhiệm vụ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng; lựa chọn nhân sự làm công tác tổ chức xây dựng Đảng; bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, phù hợp với trình độ chuyên môn để phát huy hết năng lực, sở trường, kinh nghiệm của cán bộ; tiếp tục quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ tổ chức cấp ủy các cấp; kiện toàn bộ máy ban tổ chức cấp ủy các cấp tinh gọn, chất lượng; tạo nguồn bền vững cho các vị trí việc làm, gắn kết giữa đào tạo tại chỗ với chuyển giao nhân sự giữa các thế hệ nhằm đảm bảo tính kế thừa, liên tục.
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương khẳng định, đây là cơ sở khoa học quan trọng để Ban tổ chức Trung ương và các tỉnh tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Theo ông Nguyễn Quang Dương, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng "vừa hồng", "vừa chuyên", đáp ứng các tiêu chí "Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp" nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Do đó, việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu khách quan, có nhiệm vụ chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có cơ quan tổ chức cán bộ các cấp của Đảng./.