Theo báo cáo tại kỳ họp, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư khởi sắc với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 360 triệu USD, vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt hơn 11.000 tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với kế hoạch năm 2023.
TTXVN - Sau hai ngày làm việc, chiều 12/7, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc. Đây là kỳ họp quan trọng đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, Kỳ họp thứ 11 có ý nghĩa quan rất trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được của 6 tháng đầu năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ đó, đề ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để các cấp, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 và nửa cuối của nhiệm kỳ.
Trong kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung của kỳ họp. Các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, các ban, ngành trong tỉnh; báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân 6 tháng đầu năm 2023; thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023…
Theo báo cáo tại kỳ họp, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư khởi sắc với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 360 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 2,2 lần so với kế hoạch năm 2023. Toàn tỉnh có trên 800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, tăng 13,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 16.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 22 Nghị quyết. Các Nghị quyết liên quan tới các vấn đề về phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công; những điều chỉnh, bổ sung các điều khoản, nguồn kinh phí trong đầu tư xây dựng, các quy định về thu phí và lệ phí; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, các hoạt động giám sát chuyên đề...
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm các khoản chi để ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư các doanh nghiệp có năng lực; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch phân khu.
Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo giải quyết tồn tại lâu năm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án; khắc phục các bất cập về chênh lệch giữa giá thu tiền sử dụng đất và số tiền được bồi thường về đất khi phải tái định cư; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% trong năm 2023.../.