Theo đánh giá của Liên minh không rác Việt Nam (VZWA), dự án đã có cách tiếp cận quản lý chất thải toàn diện.
(TTXVN) Với mong muốn xây dựng một khu vực hướng dẫn người dân thực hành phân loại rác thải và cách xử lý rác hữu cơ tại nhà nhằm giảm tối đa lượng rác thải phải đưa ra môi trường, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) phối hợp với các đơn vị đã thực hiện dự án “Cộng đồng không rác thải” cải tạo một mảnh đất đầy cỏ và rác (tại đường Morrison, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) trở thành khu vườn cộng đồng.
Chị Vũ Hồng Thanh (cán bộ xây dựng dự án cộng đồng không rác tại Đà Nẵng) cho hay, khu vườn từ rác này là nơi mà rác của các hộ dân xung quanh, hàng ngày sẽ được thu gom và phân loại. Các loại rác hữu cơ của các hộ gia đình sẽ được nhóm tình nguyện ủ làm phân. Trong quá trình ủ, một số loại cây mọc lên tại khu vườn như ớt, cà chua, các loại hoa… Ngoài ra, một lượng lớn các loại cây bỏ đi của người dân, được các tình nguyện viên mang về trồng.
Chị Thanh chia sẻ: “Khu vườn này là trái tim và linh hồn của dự án “Cộng đồng không rác thải”. Khi viết dự án này, tôi mong muốn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác từ nguồn của các hộ gia đình, tận dụng rác thải để trồng cây, hay làm những việc hữu ích khác; đặc biệt giảm lượng lớn rác thải mà thành phố Đà Nẵng đang đổ ra bãi rác hàng ngày”.
Dự án “Cộng đồng không rác thải” triển khai từ tháng 2/2022. Khi mới bắt đầu chỉ có 300 tình nguyện viên tham gia, sau đó dự án đã thu hút gần 1.000 người, với nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, các em học sinh Tiểu học, Mầm non đã đến thăm quan, thực hành việc phân loại rác, tìm hiểu các giải pháp không rác.
Tham gia dự án nhờ đọc một bài viết giới thiệu về chương trình trên mạng xã hội, chị Vũ Thị Thu Hương (sinh năm 1970, trú tại quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ: “Tôi rất vui khi tham gia dự án này. Tôi đến đây chăm sóc khu vườn vào mỗi buổi chiều. Khu vườn được tạo nên từ chính rác thải, gồm các loại rau, hoa lá, được ươm mầm trong giai đoạn ủ phân. Khu vườn này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân”.
Tham gia dự án từ ban đầu, từ một người sợ rác, bạn Trần thị Thanh Hiền (sinh viên Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) hàng ngày đều đến các hộ gia đình để thu gom rác và ủ phân. Hiền chia sẻ: “Lúc đầu mới tham gia, em không nghĩ sẽ trồng nên một khu vườn đẹp với rau và hoa như vậy từ rác. Em thấy việc làm này rất ý nghĩa. Giờ đây, em không còn sợ rác nữa. Rác không còn bẩn, hôi và là thứ vứt đi mà nó đã trở thành thứ hữu ích tạo ra những vườn cây xinh đẹp. Dự án này giúp mọi thành viên có nguồn cảm hứng, động lực để lan tỏa đến cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường. Sau này khi trở thành cô giáo, em mong muốn truyền cảm hứng đến với học sinh xây dựng một cộng đồng xanh, sạch và không rác thải.”
Chị Trương Thị Lá (trú tại 99 Dương Trí Trạch, quận Sơn Trà) cho hay: “Trước đây, rác được tôi bỏ chung vào nhau rồi vứt lên xe rác. Từ ngày được các bạn tình nguyện của dự án “Cộng đồng không rác thải” đến thu gom rác, mọi thành viên trong gia đình đã có ý thức phân các loại rác, vừa gọn gàng, sạch sẽ và rất hữu ích, ý nghĩa”.
Theo đánh giá của Liên minh không rác Việt Nam (VZWA), dự án đã có cách tiếp cận quản lý chất thải toàn diện. Trong đó, ưu tiên giảm thiểu rác thải và tăng tỷ lệ phục hồi nguyên liệu, hướng tới mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn./.