Theo Chủ tịch UBND xã Liên Minh Phàn Phủ Seng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sa Pa hỗ trợ trên 600 triệu đồng cho các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng và bị ảnh hưởng do thiên tai.
TTXVN - Trở lại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) sau cơn lũ lịch sử cách đây hơn 4 tháng, dấu tích của sự tàn phá nặng nề vẫn còn đó, sự mất mát vẫn hằn sâu trong ánh mắt người dân. Sau cơn lũ, nhân dân cùng các cấp chính quyền địa phương đang từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả để mau chóng ổn định đời sống và sản xuất, bảo đảm cho người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui vẻ, đầm ấm. Niềm tin vào tương lai đang dần trở lại khi mùa Xuân đang về.
* Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Liên Minh là xã vùng sâu của thị xã Sa Pa, cách trung tâm thị xã trên 40 km, gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Xa Phó sinh sống; trong đó, người Dao chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Trận lũ lịch sử đêm 12/9/2023 vẫn khiến người dân nơi đây ám ảnh bởi thiệt hại quá lớn (7 người chết, 6 người bị thương, 61 trại nuôi cá nước lạnh với khoảng 610 ao cá của người dân địa phương bị phá hủy hoàn toàn; tổng thiệt hại về kinh tế là khoảng 250 tỷ đồng).
Đứng trên nền đất lẫn đá mấp mô - dấu tích còn sót lại của cơn lũ dữ, nơi trước kia là ruộng lúa xanh rì, anh Tẩn Chằn Quyên (thôn Nậm Cang) vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong trận lũ đêm ấy, anh bất lực chứng kiến toàn bộ tài sản của gia đình gồm 13 bể cá nước lạnh bị lũ cuốn trôi. Trại cá của gia đình giờ chỉ trơ lại mỗi chân móng.
Theo lời anh Quyên kể lại, mảnh đất này được để lại từ thời ông bà anh. Hàng trăm năm qua không hề có mưa lũ xảy ra. Do đó, khi thiên tai ập đến, người dân bất ngờ trở tay không kịp. "Hàng chục tỷ đồng bị mất trắng. Trong lúc khó khăn tưởng như không vực dậy được, gia đình tôi may mắn được các cấp chính quyền, đoàn thể, các nhà hảo tâm và người dân trong thôn giúp đỡ dọn dẹp, an ủi, động viên vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Tẩn Chằn Quyên chia sẻ. Anh Quyên cho biết thêm, trước mắt, gia đình anh tiếp tục dọn dẹp, xử lý mặt bằng; sau đó, dự định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để gây dựng lại trang trại nuôi cá hồi theo quy hoạch của địa phương.
Gia đình ông Phàn Lổ Xeng (thôn Nậm Cang) năm nay được đón Tết trong ngôi nhà mới cấp 4 rộng rãi, khang trang trị giá hơn trăm triệu đồng vừa được khánh thành cách đây vài ngày. Đây là nguồn động viên to lớn từ các cấp chính quyền và người dân địa phương với tinh thần "lá lành đùm lá rách". Trong đêm kinh hoàng ấy, cả gia đình đang ngồi ăn cơm tối, cơn lũ dữ ập đến. Gia đình sống sót được là nhờ nhanh trí trèo lên ngọn cây to gần nhà. "Chỉ chậm khoảng 3 phút thôi, nhà tôi đã có thiệt hại về người", ông Xeng nhớ lại, trên nét mặt vẫn không giấu được nỗi ám ảnh. Nhà cửa, tài sản suốt bao năm chắt chiu bị cuốn theo dòng nước lũ, gia đình ông được bố trí đến nơi ở mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sa Pa đã hỗ trợ gia đình ông 40 triệu đồng xây nhà. Người dân trong thôn mỗi người góp công góp sức, góp của để gia đình ông có nếp nhà mới đón Tết.
* Nỗ lực tái thiết sản xuất
Theo Chủ tịch UBND xã Liên Minh Phàn Phủ Seng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Sa Pa hỗ trợ trên 600 triệu đồng cho các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng và bị ảnh hưởng do thiên tai; lập sổ tiết kiệm cho 4 cháu nhỏ bị mồ côi cha, mẹ do lũ. Với phương châm “không để người dân vùng lũ nào không có Tết”, trước thềm năm mới Giáp Thìn, nhiều tổ chức, đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức tặng quà, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, các hộ nghèo trên địa bàn.
Cơn lũ lịch sử tại khu vực Nậm Cang (xã Liên Minh) đã gây ra nhiều thiệt nặng nề về người và tài sản. Về công tác khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND xã Liên Minh khẳng định, địa phương đã huy động tối đa nguồn lực, từng bước thực hiện các phương án để sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đối với những hộ bị thiệt hại về nhà ở phải di chuyển khẩn cấp, xã đang chọn địa điểm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để sắp xếp tái định cư. Đối với cơ sở hạ tầng, địa phương đã xử lý, khắc phục tạm thời các tuyến đường giao thông bị sạt lở, các công trình cầu, ngầm bị hư hỏng, thiệt hại đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… "Sau lũ, dòng suối Nậm Cang bị vùi lấp. Người dân đang chờ chủ trương quy hoạch của thị xã và sau khi khơi dòng kè suối xong mới thực hiện các bước tiếp theo để khôi phục các hoạt động sản xuất”, ông Phàn Phủ Seng cho biết thêm.
Liên quan đến tái thiết sản xuất sau thiên tai, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, thị xã đã chỉ đạo xã và các ngành hỗ trợ các hộ dân tiếp tục tái đầu tư sản xuất và nuôi cá. Chính quyền khuyến cáo, người dân tránh xa khu vực có khả năng sạt lở, lũ quét. Thời điểm này, các hộ dân đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương làm việc với ngân hàng để có chính sách cho vay tái sản xuất. Đối với cơ sở hạ tầng (trên 17 công trình lớn nhỏ về giao thông, thủy lợi, nước sạch, cầu, ngầm...), địa phương đã có tổng hợp báo cáo Trung ương và tỉnh để thực hiện công tác đầu tư tái thiết lại khu vực chịu lũ.
Những ngày cuối năm Quý Mão, trong tiết Xuân se lạnh, người dân nơi đây bắt đầu quay về nhịp sống thường ngày, từng bước xây dựng lại sản nghiệp đã bị cuốn trôi. Nhiều ngôi nhà, trang trại cá đã được tu sửa. Dù chưa thể trở về như thời điểm trước lũ nhưng công cuộc tái thiết đang được người dân khởi động để hy vọng năm mới với mùa sản xuất mới và thành tựu mới. Ven những tuyến đường bê tông liên thôn trước đó ngập bùn đất nay đã sạch đẹp, rợp bóng cờ đỏ, thấp thoáng sắc mai, đào phai, cải vàng... Người dân cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, quét đường làng, ngõ xóm. Trong thôn, rộn vang tiếng mọi người gọi nhau giúp hái lá dong, mổ lợn... chuẩn bị gói bánh chưng.
Một năm mới lại về với vùng lũ Liên Minh. Những bộn bề của cuộc sống đang được người dân nơi đây tạm gác lại để tận hưởng không khí mùa Xuân ngập tràn trong mỗi nếp nhà. Vượt qua những mất mát, đau thương, người dân vùng lũ Liên Minh đang nỗ lực gây dựng lại cuộc sống mới, tốt đẹp và ấm no hơn./.