An sinh

Bạc Liêu: Nỗ lực nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế

Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phối hợp nhiều biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN.

(TTXVN) Mặc dù triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhưng hiện nay độ bao phủ bảo hiểm y tế của người dân ở Bạc Liêu còn thấp so với yêu cầu đề ra. Tính đến 31/3, số người tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh là 657.220/917.216 người, chỉ đạt 71,65%. Đáng chú ý, tất cả 49 xã được công nhận nông thôn mới đều không còn duy trì được tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế như trước. Thậm chí có xã số người tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh chỉ còn 40-50% so với khi được công nhận nông thôn mới.

Nguyên nhân tình trạng sụt giảm

Số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tất cả các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đều giảm, nhiều nhất là ở nhóm do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng (riêng năm 2021 giảm đến 250.000 người so với năm 2020). Theo đó, nhóm đối tượng ở hộ nghèo giảm hơn 2.600 người; hộ cận nghèo giảm hơn 7.000 người; người dân tộc thiểu số giảm trên 14.000 người; người dân sinh sống vùng đặt biệt khó khăn giảm hơn 224.000 người.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận người dân không còn được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Nhiều người dù biết lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế nhưng băn khoăn về chất lượng khám, chữa bệnh cũng như thái độ phục vụ của các nhân viên tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Mặc khác, do việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, người dân khi đi khám, chữa bệnh phải xuất trình nhiều giấy tờ để được hưởng bảo hiểm y tế như: thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ, giấy giới thiệu chuyển viện, giấy xác nhận miễn cùng chi trả… Trong khi đó, các loại giấy tờ này vẫn còn sai sót, thông tin không khớp.

Bên cạnh đó, tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh khiến người bệnh chờ đợi lâu, thậm chí phải nằm ghép khi điều trị nội trú. Trong khi đó, hầu hết các bệnh viện đều mở các phòng khám dịch vụ với mức thu cao, thủ tục nhanh gọn, nhiều dịch vụ điều trị theo yêu cầu như: tự chọn thầy thuốc, dịch vụ kỹ thuật, sử dụng nhiều loại thuốc mới… Điều này khiến người dân hiểu nhầm có sự phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh có và không có thẻ bảo hiểm y tế.

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Trước thực trạng trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu, Bảo hiểm Xã hội cùng các sở, ngành, các địa phương cần tạo chuyển biến thật sự trong công tác phát triển đối tượng bảo hiểm y tế. Các cơ sở y tế, nhất là y tế công cần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhân dân; tuyệt đối không có sự phân biệt đối xử giữa người khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế và khám dịch vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị cần đẩy mạnh tuyên truyền để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là chỉ tiêu bắt buộc. Địa phương nào có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế không đạt, Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Để thực hiện mục tiêu này, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bạc Liêu xác định các nhóm đối tượng tiềm năng cần có giải pháp khai thác mạnh gồm: người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên và hộ gia đình. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể có liên quan thực hiện truyền thông về Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động và người dân khi tham gia bảo hiểm y tế.

Theo ông Lê Danh Đấu, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao độ bao phủ bảo hiểm y tế chính là củng cố, kiện toàn và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, chất lượng hoạt động cho đội ngũ nhân viên làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở các cơ quan, doanh nghiệp và nhân viên đại lý cũng như cộng tác viên ở khóm, ấp, tổ tự quản; đảm bảo đội ngũ này có kỹ năng vận động, tuyên truyền thu hút các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm 20% kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng học sinh, sinh viên. Đối với hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50%. Ngoài ra, đối tượng vừa thoát hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế trong năm đầu.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Bác sỹ Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến nay, mạng lưới khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh đã được tổ chức hoàn thiện trên cả 3 tuyến. Toàn tỉnh hiện có 2.700 giường bệnh kế hoạch, trong đó tuyến tỉnh có 1.180 giường bệnh, tuyến huyện có 1.160 giường; 60/64 trạm y tế có đủ điều kiện và ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu. Ngoài hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh công, Bạc Liêu còn có 3 cơ sở y tế tư nhân có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có 1 phòng khám đa khoa và 2 bệnh viện đa khoa tư nhân với 300 giường bệnh cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh bảo hiểm y tế, ngành Y tế tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao; tăng cường các loại hình đào tạo bác sỹ (như đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo liên thông, đào tạo sau đại học)... Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa bệnh viên đa khoa tỉnh và các cơ sở điều trị tuyến huyện; triển khai thực hiện dự án mua sắm một số trang thiết bị quan trọng cho bệnh viên đa khoa tỉnh như: Máy chụp MRI, CT Scanner 128 lát cắt và dự án mua sắm trang thiết bị y tế tuyến huyện... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh.

Đồng thời, ngành Y tế tăng cường chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh như: thực hiện Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam; thực hiện các tiêu chí cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp; triển khai nhiều giải pháp chống quá tải tại một số bệnh viện; cải cách thủ tục hành chính; cải tiến quy trình khám bệnh, rút ngắn thời gian khám bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật; thường xuyên phát động phong trào thi đua rèn luyện, nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.

Tuấn Kiệt

Xem thêm