Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV: Chất lượng nguồn nhân lực là gốc để phát triển kinh tế - xã hội
Đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
TTXVN - Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội, đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong phục hồi, phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, giải quyết một số dự án tồn đọng, kéo dài do ảnh hưởng sau COVID-19.
Luôn theo dõi sát các kỳ họp Quốc hội và dành sự quan tâm đến giáo dục, ông Nguyễn Phấn Tiến (cử tri xã Dương Hà, huyện Gia Lâm) cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực là cái gốc của mọi vấn đề.
Hà Nội là một trong những địa phương có quy mô, chất lượng giáo dục cao nhất cả nước, tạo nguồn nhân tài cho xã hội. Đi kèm với những thành tích, góp phần đáng kể vào việc ghi danh Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới, giáo dục Hà Nội vẫn còn rất nhiều thách thức, khó khăn trước bối cảnh hội nhập, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng gia tăng.
"Bên cạnh các giải pháp chủ động, việc tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo là rất cần thiết. Việc xã hội hóa giáo dục cần phải được đẩy mạnh, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập để bảo đảm phát triển giáo dục bền vững và công bằng xã hội. Tôi mong Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt và dành sự ưu tiên hơn nữa cho giáo dục cả nước nói chung, giáo dục Hà Nội nói riêng, từng bước gây dựng nền tảng nhân lực bền vững, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Với sự điều hành tại các kỳ họp trước và ngay trong sáng nay, tôi tin rằng, Chính phủ, Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay", ông Nguyễn Phấn Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Thuận Quảng (Cầu Giấy), cán bộ lão thành cách mạng, bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng trong năm 2022, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD).
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Thuận Quảng băn khoăn về những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân do xung đột Nga -Ukraina kéo dài, lạm phát thế giới tăng cao, trong nước giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động tăng. Các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai, tình trạng thiếu việc làm... ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng chung của cử tri và nhân dân.
Do đó, ông Nguyễn Thuận Quảng mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo việc làm, thu nhập giúp người lao động ổn định cuộc sống; tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài bảo vệ người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán nhà, đất, hợp đồng bảo hiểm... là những hợp đồng in sẵn, do khách hàng tin tưởng, không đọc kỹ, hoặc không hiểu rõ các điều khoản nên gặp bất lợi, thiệt hại cho người mua./.