Bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt Chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ
Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ với chứng nhận Kim cương là mức chuẩn cao nhất trong điều trị đột quỵ.
(TTXVN) Ngày 14/1, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ tổ chức Lễ đón nhận Chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ, do Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trao cho các đơn vị và trung tâm có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu. Đây là bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, là bệnh viện thứ 3 tại Việt Nam đạt được Chứng nhận này (sau Bệnh viện 115 và Bạch Mai). Hiện toàn thế giới có 39 đơn vị điều trị đột quỵ đạt được tiêu chuẩn này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, đại diện Hội Đột quỵ thế giới tại Việt Nam cho biết, WSO có 3 mức chứng nhận theo thứ tự từ thấp đến cao gồm tiêu chuẩn Vàng, Bạch kim và Kim cương. Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ với chứng nhận Kim cương là mức chuẩn cao nhất. Để đạt được chuẩn này, Bệnh viện phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí khắt khe như tay nghề, trình độ của bác sĩ, trang thiết bị, sự phối hợp, hoạt động với cộng đồng, giúp người dân nhận biết được triệu chứng đột quỵ, đến Bệnh viện để được điều trị tốt... Chứng nhận này không có hiệu lực vĩnh viễn, nếu một trong các tiêu chí không giữ vững thì tiêu chuẩn của Bệnh viện cũng sẽ hạ xuống tương ứng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ chia sẻ, năm 2016, Tổ chức Đột quỵ châu Âu đưa ra sáng kiến nhằm cải tiến và thúc đẩy chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ bằng cách cung cấp dữ liệu có thể chuyển thành các chính sách và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, áp dụng trên toàn thế giới, gọi tắt là RESQ. Đến nay đã có 7.305 đơn vị điều trị đột quỵ đăng ký thành viên cùng Angels trên toàn thế giới.
Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ tham gia RESQ từ quý 2 năm 2021, đạt mức Bạch kim (vào quý 2, quý 4 năm 2021 và quý 2 năm 2022). Đến quý 3 năm 2022, Bệnh viện đạt mức Kim cương. Để đạt được chứng nhận này, Bệnh viện báo cáo các số liệu, quy trình điều trị lên hệ thống RESQ mỗi ngày, sau đó WSO căn cứ nhiều tiêu chí như: quy trình tiếp nhận, can thiệp, cứu sống bệnh nhân đột quỵ, điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện… để đánh giá.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường cho biết thêm, 10 tiêu chí mà WSO đưa ra đều rất khắt khe. Trong đó, quan trọng nhất là tỷ lệ bệnh nhân được điều trị với thời gian xuyên kim (đây là khoảng thời gian từ lúc bệnh nhân nhồi máu não nhập viện đến khi bệnh nhân được sử dụng tiêu sợi huyết) ở mức dưới 60 phút phải đạt 75% và ở mức dưới 45 phút đạt từ 50%. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị với thời gian từ cửa đến bẹn (đây là khoảng thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến khi can thiệp lấy huyết khối) ở mức dưới 120 phút đạt từ 75% và ở mức dưới 90 phút đạt từ 50%. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn phải đáp ứng được các tiêu chí khác.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2019, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ đã khám, điều trị cho gần 400.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 160.000 lượt đột quỵ. Tính riêng trong năm 2022, Bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 205.000 lượt, trong đó có hơn 81.000 lượt bệnh nhân đến vì đột quỵ; số ca mắc đột quỵ mới là 12.814 ca. Số lượng nhồi máu não chiếm 76%, xuất huyết não chiếm 24%. Bệnh nhân đến trong thời gian vàng năm 2022 là 21%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng nhận định: Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận Vàng, Bạch kim, Kim cương cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới. Là đơn vị chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn Kim cương sẽ là tiền đề quan trọng để Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ, góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế, giảm gánh nặng cho các bệnh viện phía Nam và gánh nặng cho xã hội./.