Thời sự

Bí thư Tỉnh ủy Long An đối thoại với công chức, viên chức, đại diện doanh nghiệp và nhân dân

Long An

Các đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị đến công tác chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng trồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp…

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được (giữa) lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cán bộ, công chức, đại diện doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh
Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Ngày 4/7, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đã gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức, đại diện doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Buổi đối thoại được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện, xã với sự tham dự của gần 7.000 đại biểu gồm lãnh đạo các đơn vị, địa phương; công chức, viên chức trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính, đại diện doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã lắng nghe 13 ý kiến của các đại biểu liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Bà Nguyễn Thụy Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An đại diện cho hội viên phụ nữ kiến nghị cần có giải pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng doanh nghiệp chậm đóng các loại bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động; chấn chỉnh tình hình thiếu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh và nhiều loại thuốc đặc trị còn nằm ngoài danh mục thanh toán Bảo hiểm y tế…

Ông Nguyễn Phước Long, người dân xã Tân Tập, Cần Giuộc, Long An cho biết: Trên địa bàn hiện nay có nhiều dự án đầu tư kéo dài, thực hiện kê biên nhiều lần nhưng chưa triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến việc sữa chữa, xây dựng nhà cửa và sử dụng đất đai của người dân. Đề nghị các cấp có giải pháp chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ hoặc rà soát, thu hồi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân; đồng thời, có chính sách trước mắt để hỗ trợ người dân trong thời gian chờ thực hiện dự án.

Đại biểu nêu kiến nghị.
Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến công tác chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng trồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính; việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập thấp…

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh Long An cùng đại diện các sở, ngành đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị của đại biểu tham dự. Ban tổ chức hội nghị cũng ghi nhận hơn 100 ý kiến bằng văn bản và sẽ có văn bản trả lời.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại buổi đối thoại.
Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, trong những năm qua, đạo đức công vụ của lãnh đạo các đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức đã thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn, gần cơ sở hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện xuống cấp tư tưởng, thoái hóa biến chất; người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt; chậm đổi mới tư duy, thiếu tính quyết tâm, quyết liệt; chưa nâng cao trách nhiệm trong giải quyết công việc, thái độ phục vụ chưa tốt; có tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Bí thư Tỉnh ủy Long An đề nghị, cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục “đồng lòng, kề vai sát cánh” để xây dựng Long An trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả và phát triển bền vững. Cán bộ, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần tự soi, tự sửa, tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc và cần bám sát cơ sở theo phương châm “Gần dân, trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời, nêu cao tinh thần 5 thật (nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, để người dân được hưởng thụ thật) và 7 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung) để nâng cao hiệu quả công việc, phát triển kinh tế địa phương và đem lại cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc cho người dân./.

Bùi Như Trường Giang

Tin liên quan

Xem thêm