Bình Thuận: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành kê khai và công khai các bản kê khai tài sản thu nhập (lần đầu, hằng năm và bổ sung).
TTXVN - Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; giám sát đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và thực thi nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, dự án, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng..., kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức: lồng ghép trong các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên đề, các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương, của tổ chức đảng, đoàn thể…. Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn được tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp như: đăng tải trên website, zalo, facebook, mail công vụ… Nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã cơ bản đảm bảo yêu cầu và sát với tình hình thực tế.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã ban hành mới 273 văn bản và sửa đổi, bổ sung 1 văn bản để triển khai thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức 202 lớp/15.706 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham dự để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Căn cứ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành kê khai và công khai các bản kê khai tài sản thu nhập (lần đầu, hằng năm và bổ sung) theo quy định của pháp luật. Toàn tỉnh có 2.594 người kê khai, công khai tài sản thu nhập thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh (gồm 165 người kê khai lần đầu; 2.262 người kê khai hằng năm; 167 người kê khai bổ sung).
Toàn tỉnh tiến hành 53 cuộc thanh tra, trong đó có 45 cuộc thanh tra theo kế hoạch (có 20 cuộc thanh tra trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), 8 cuộc thanh tra đột xuất. Thanh tra tỉnh đã ban hành 31 kết luận thanh tra (có 17 kết luận thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng). Trong năm, tỉnh phát hiện 4 vụ/17 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước; 6 vụ/4 đối tượng ngoài khu vực nhà nước có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực…
Để đẩy mạnh hiệu quả phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên, gắn với việc kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và thực thi nhiệm vụ, nhất là trong các lĩnh vực “nhạy cảm” dễ xảy ra tham nhũng như quản lý tài chính, đất đai, y tế… Cùng với đó, các đơn vị tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, tập trung vào các vụ việc tồn đọng, phức tạp, dư luận quan tâm.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện bảo vệ người tố cáo đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền...
Để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bình Thuận đã công bố hộp thư và quy chế tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo tại địa chỉ banchidaopctntc@binhthuan.gov.vn./.